Ngày 9/11, Sở Y tế Đăk Lăk cho biết người này đau bụng từ hồi giữa tháng 10, phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị áp xe lá lách. Nửa tháng sau tái phát đau bụng, bệnh nhân trở lại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2.
Bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh mạnh trong vòng bốn tuần tại bệnh viện. Sau đó, nếu hồi phục tốt, bệnh nhân xuất viện điều trị duy trì trong vòng ba tháng.
Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm Whitmore cho người này. Đây là ca Whitmore thứ ba tại Đăk Lăk, điều tra dịch tễ cho thấy không có mối liên quan giữa cả ba ca.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hay giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa.
Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Số bệnh nhân tăng tỷ lệ thuận với lượng mưa.
Dấu hiệu bệnh là nhiễm trùng hình thành khoang mủ, sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ. Thời gian ủ bệnh từ một đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.
Ngọc Oanh