Cô Chen đã mua một biệt thự ở khu vực biệt thự cao cấp thuộc núi Long Tuyền, Ba Long (Phúc Châu, Phúc Kiến) với chi phí 3 triệu tệ (hơn 10 tỷ đồng). Song khi tới nhận bàn giao vài ngày trước, cô đã sốc khi thấy nước lênh láng khắp nhà, lý do vì biệt thự không có mái. Theo Sina, nước mưa có mặt ở khắp toà nhà. Phúc Châu đang vào mùa mưa và ngôi nhà đã bị ngâm nước từ trước Tết tới nay. Cô Chen nói: "Tôi xem nhà mẫu rất đẹp. Nội thất bên trong lung linh nên đã mua ngay lập tức". Đến khi bàn giao nhà trong tình trạng này, cô kiên quyết không nhận. Tìm đến nhà thầu, cô Chen được giải thích: "Mái nhà là phần diện tích tặng". Lúc này cô Chen mới ngớ ra, theo hợp đồng, diện tích mái nhà là được tặng và không được che phủ. Nhưng lúc đó không có kinh nghiệm nên cô đã bỏ qua những điểm này. Chủ đầu tư cũng nói, biệt thự được xây theo thiết kế, kế hoạch từ trước và đã được sở xây dựng cấp phép. Trước đó, đội xây dựng có che chắn mái nhà nhưng khi rời đi thì mang theo, dẫn đến ngôi nhà dính nước mưa rồi biến thành những cái ao nhỏ khắp các tầng. Ảnh chụp từ nóc xuống, công trình vẫn đang còn ngổn ngang. Hiện tại hai bên đã đạt được đồng thuận sửa chữa toà biệt thự theo đề xuất của chủ đầu tư. Tình huống của cô Chen thu hút hàng chục nghìn bình luận trên các báo xứ Trung. "Mái nhà không có mái thì chỉ gọi là tường", "Bức tường này khá đắt đỏ", "Biệt thự này bị hói", "Chủ đầu tư: Chúng tôi bán biệt thự để khách hàng nhìn thấy ngàn sao", "Ngay cả một cái chuồng lợn cũng phải có khả năng tránh mưa"... Nhiều người khác chỉ trích chủ đầu tư, nhà thầu vô trách nhiệm và bày tỏ sự khó hiểu với cơ quan quản lý. Tuy nhiên lại có một số người cho rằng để giảm diện tích xây dựng trên giấy, một số nhà thầu đã làm như vậy. Bảo Nhiên