Nhìn trang Facebook cá nhân ngập tràn hình ảnh về những món ăn ngon lành và đẹp mắt, ít ai ngờ được chị Hoàng Ngọc Đồng An, 39 tuổi, từng là người rất ghét nấu ăn và nấu món gì, dù đơn giản nhất, cũng bị chê.
Niềm đam mê với nấu nướng trong chị An chỉ bắt đầu từ khi chị lập gia đình và sang Thụy Sĩ sinh sống cách đây 13 năm.
"Mình phải cảm ơn chồng mình rất nhiều vì luôn khuyến khích và ủng hộ mình trong việc nấu nướng. Có những món anh không ăn được nhưng không nhăn nhó, chê bai bao giờ mà chỉ góp ý về mùi vị để lần sau mình điều chỉnh cho ngon hơn. Nhờ vậy tay nghề nấu nướng của mình cũng dần dần khá lên", chị An kể.
Không chỉ động viên vợ, chồng chị An còn tranh thủ đi chợ giúp vợ sau giờ làm hoặc vào bếp nấu cho vợ con thưởng thức những món ăn Thụy Sĩ vào dịp cuối tuần rảnh rỗi.
Sự chia sẻ đó của chồng giúp chị An tự tin thỏa sức thử nghiệm và sáng tạo trong căn bếp nhỏ. Chị mạnh dạn nấu các món ăn Việt Nam cho chồng con và cả gia đình chồng thưởng thức.
Vốn người gốc Huế nên sở trưởng của chị là những món Huế. Danh sách ẩm thực Việt trong bữa cơm hàng ngày của gia đình chị còn được làm phong phú bằng nhiều món ăn khác như cánh gà chiên nước mắm, hủ tiếu Nam Vang, phở, cơm tấm sườn, bún chả cá thát lát, bún riêu cua...
"Chồng mình vốn khá kén, không thích ăn những món nước và rau củ nhưng từ ngày lấy vợ Việt, thói quen ăn uống của anh đã thay đổi rất nhiều. Anh ăn được gần như tất cả những món ăn Bắc, Trung, Nam do mình nấu", chị An kể. "Những món anh thích nhất là bánh bèo, bánh bột lọc, bánh canh chả cua, thịt luộc chấm mắm, gỏi cuốn chấm mắm nêm và rất nhiều món nữa".
Xem thêm các món ăn do chị An nấu
Khi mới qua Thụy Sĩ, những lần mời gia đình chồng đến nhà dùng bữa, chị An cũng cẩn thận tìm hiểu trước về thói quen và sở thích ăn uống của mọi người rồi lên mạng tìm tòi những món ăn đơn giản cũng như không có mùi vị quá đặc biệt để chế biến. Với những món có mùi vị hơi nồng hay những món có nêm nếm những loại mắm, ban đầu chị chỉ cho gia vị này rất ít để mọi người ăn thử rồi mới tăng dần lượng gia vị lên.
"Vì thế mà gia đình chồng quen dần rồi bây giờ có thể ăn như người Việt Nam. Họ ngày càng yêu thích những món Việt và có thể ăn tất cả các món mà tôi nấu", chị An tự hào kể. "Mẹ chồng và em chồng mình rất mê các món Việt nên mỗi tuần được mời đến nhà dùng bữa, họ rất hào hứng. Nhìn những người mình yêu thương ăn uống ngon miệng chính là hạnh phúc, vì vậy dù có nhiều món tốn nhiều thời gian, mình vẫn luôn cố gắng nấu cho cả nhà cùng thưởng thức".
Không chỉ nấu ngon mà chị An còn dành thời gian để chăm chút cho hình thức món ăn sao thật đẹp mắt. Đây là bí quyết để các con gái của chị ăn hết những món mẹ nấu dù trước đó không hề thích.
Hai bé Thy Thy, 9 tuổi, và Ly Ly, 2 tuổi, đều được cho "nếm thử" những món Việt từ khi nằm trong bụng mẹ cho tới khi biết ăn nên cũng yêu thích ẩm thực quê hương mẹ không kém.
"Thỉnh thoảng con gái lớn lại bảo mẹ làm bánh bèo, bánh bột lọc. Khi mẹ vắt bánh, bé cũng phụ giúp. Con gái út tuy còn bé nhưng cũng mạnh dạn bày tỏ ý kiến, chẳng hạn như 'con muốn ăn bánh canh' ", chị An kể. "Nghe các con thủ thỉ tiếng Việt và ăn được nhiều món Việt mình vui lắm".
Với chị An, những món ăn Việt có vai trò quan trọng trong việc giúp các con gần gũi với văn hoá quê mẹ hơn.
"Khi đã lớn và muốn tìm hiểu thêm về quê hương mẹ, chắc chắn các con sẽ không bỏ qua ẩm thực Việt Nam. Cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm đậm đà hương vị Việt và trò chuyện bằng tiếng Việt thì thật tuyệt phải không?", chị nói.
Ngoài việc mang ẩm thực Việt giới thiệu đến gia đình chồng, chị An cũng rất hay chia sẻ với mọi người xung quanh về những món ăn ngon. Mỗi món ăn do mình nấu đều được chị An chia sẻ lên mạng kèm công thức chi tiết và nhận được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt yêu thích.
"Ẩm thực Việt đang dần được thế giới biết đến nhiều hơn và mình cảm thấy tự hào mỗi khi được chia sẻ về những món ăn quê hương. Mình đang ấp ủ một kế hoạch nho nhỏ trong tương lai để giới thiệu đến người dân Thụy Sĩ ẩm thực Việt Nam, giúp họ hiểu thêm và yêu thích các món ăn Việt", chị nói.
Anh Ngọc