Khi sinh ra, Mạch Thị Mai Lan cũng bình thường như tất cả 13 anh chị em khác trong một hộ gia đình nghèo khó thuộc xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Nhưng rồi chuyện không may đã xảy ra với Lan khi cô mới chưa đầy 7 tuổi. Đó là vào khoảng những năm 1969, 1970 khi Lan đang ngồi võng, đánh đu ru cho đứa em út là Hoa ngủ thì em bất chợt nghe tiếng rẹt... rẹt, hai cánh tay bỗng đau xé rồi Lan ngất đi. Lúc tỉnh dậy, Lan thấy mình đang nằm trong nhà thương thuộc huyện Vị Thanh.
Sau này, Lan mới được nghe kể thì ra do phát hiện người anh rể tên Lê Văn Bóng (đang trốn quân dịch) xuất hiện tại nhà. Đám lính chế độ cũ đã vác súng đuổi theo, anh Bóng chạy nhanh bọn lính bắt không nổi, chúng tức tối giương súng lên xả đạn về phía anh. Đạn không trúng Lê Văn Bóng mà găm cả vào hai cánh tay của Mạch Thị Mai Lan.
Một tháng nằm viện, các bác sĩ đã giúp cô thoát tay lưỡi hái tử thần, nhưng di chứng vết thương để lại với Lan rất nặng nề, cả hai cánh tay đứt lìa, một bên tới tận sát nách, một bên còn trơ lại khúc chưa đầy 20 cm. Mai Lan thành người tàn phế khi chưa kịp cắp sách tới trường.
Lan kể thời gian sau đó cô chỉ muốn chết, bởi mọi việc từ ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh cá nhân… đều nhờ vào sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình. Nhưng rồi theo thời gian, các anh các chị của Lan cũng dần lớn khôn, lập gia đình và đi mỗi người một ngả, chỉ còn lại hai chị em Lan sống cùng cha mẹ. Từ đây, Lan bắt đầu tập sử dụng đôi chân còn lành lặn làm mọi việc để thích nghi dần với cuộc sống.
Ban đầu, Lan tự dùng chân để nâng chén cơm đưa lên miệng, khó khăn không kể xiết. Lan bảo riêng động tác này cô đã phải mất hơn một năm trời mới dần quen được, lý do Lan nhiều tuổi các khớp xương cổ chân, khớp gối, khớp háng… cứng hết, mỗi lần cúi xuống là mỗi lần vặn mình đến vẹo xương sống. Lan đau đớn vô cùng, nhưng rồi được sự động viên, trợ giúp hết mình của người cha, cô cũng đã vượt qua thử thách ban đầu này.
Tiếp đến là những việc vặt vặt khác như quét nhà, rửa chén, giặt quần áo Mai Lan cũng tập dần và rồi đã làm được… Nhìn cô đứng bên cạnh chum nước mưa, giơ chân cặp chiếc ca nhựa múc nước rửa ra chậu giặt quần áo mới thấy đôi chân của Lan khéo léo uyển chuyển không khác người lành lặn dùng tay làm vậy.
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, cuộc sống tật nguyền của Lan vốn đã lắm lận đận, lao đao bởi sự thiếu hụt của cơ thể, nhưng cái gian nan cũng chưa dừng lại ở đó. Số là sau khi cha mẹ qua đời, bỗng nhiên có một người anh trai về tranh giành đất với hai chị em Lan. Người này đã không chịu khó, chăm chỉ, tu chí chuyện làm ăn lại còn rượu chè, bê tha. Mỗi lần từ đám nhậu về là chửi bới phá phách tùm lum, thậm chí trong cơn say nhiều khi còn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” cả với người em gái tàn tật.
Chịu không thấu, hai chị em cô gái tật nguyền phải ra khỏi nhà đi ở đậu. Lan kể có gia đình rộng rãi, chị em được nghỉ nhờ trong nhà, nhưng cũng có gia đình chật hẹp hai người đành phải giăng võng nằm ngoài hiên vậy. Chỗ ở thì như thế, cái ăn còn tệ hơn nhiều, bà con chòm xóm xung quanh hầu hết là những người lao động nghèo, nhận của người ta mãi mình cũng ngại, vậy nên chị em quyết định vươn lên bằng chính sức lực, bàn tay lao động. Nghề đầu tiên hai chị em làm là việc đi hái đọt choại, rau má, lục bình… đem ra chợ Cầu Đúc bán, kiếm từng đồng đắp đổi qua ngày.
Đọt choại, lục bình, rau má cũng cạn kiệt và thu nhập từ đây của chị em Lan ít dần. Một hôm có đứa cháu đang sống ở Kiên Giang qua chơi, mở nắp nồi cơm thấy toàn cháo. Thương dì, nó đã móc nối và lấy vé xổ số kiến thiết về cho Lan bán dạo. Thu nhập từ đây của Mai Lan cũng tăng dần.
Cuộc sống tưởng như đã ổn định, nhưng một hôm người em sống cùng Mai Lan không may bị tai nạn. Cô này trong một lần đi trên cầu cá, không may trượt chân té xuống mương bị cây đâm trúng hậu môn, ảnh hưởng nặng cột sống. Từ đây, những việc nặng nhọc chuyển sang người chị tật nguyền.
Giờ đây, Mai Lan vẫn thường thức dậy từ 4h30 đi bộ chừng 2 cây số ra đường nhựa để bắt xe buýt đi thành phố Vị Thanh bán vé số. Chiều chừng 15h, Lan lại tất tả ra xe về trả lại vé thừa cho đại lý. Hôm nào cũng vậy, Lan luôn chừa lại một tấm cho mình để thử vận may. Lan nói nếu trúng số độc đắc, sẽ dùng số tiền đó để gửi tiết kiệm, lấy lãi suất để lo cho mình và đứa em.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Đặng Đình Liêm