Thoại Hà -
Sáng 15/3, tại TP HCM, chị Trương Thị Hồng Tâm không giấu được niềm hạnh phúc vô bờ khi cuối cùng cuốn sách kể về cuộc đời cay đắng, thăng trầm của chị đã ra mắt bạn đọc cả nước. Sách do NXB Trẻ và công ty Trí Việt - First News ấn hành, mang tên Hồi ký Tâm "si-đa".
Chị Trương Thị Hồng Tâm trong ngày ra mắt hồi ký ở TP HCM. Chị được gọi với tên quen thuộc là "Tâm Si-đa". |
Chị tâm sự, đúng ra chị không dám viết cuốn hồi ký này bởi cuộc đời chị không lấy gì làm tốt đẹp. Nhưng nhờ sự gợi ý, động viên của chị Petra - một người Đức sang Việt Nam làm việc tại Ủy ban phòng chống AIDS TP HCM, chị đã bắt tay vào thực hiện cuốn sách.
Hiện không có nhà riêng, phải ở nhà thuê với giá hơn 3 triệu đồng mỗi tháng tại Gò Vấp, không có cả hộ khẩu lẫn chứng minh nhân dân, chị Tâm còn cưu mang nhiều mảnh đời trẻ em cơ nhỡ, nhiễm AIDS. Ngoài công tác xã hội, chị làm rất nhiều nghề để kiếm sống và nuôi các con, kể cả đi làm "ôsin".
"Vì vậy mà tôi bận tối mắt tối mũi, chỉ có thể viết sách vào ban đêm thôi. Tôi mất 8 năm để hoàn thành cuốn hồi ký này. Tôi viết trên máy vi tính hàng đêm. Chậm lắm! Có ngày đầu óc rỗng không, ngồi hàng giờ liền chỉ viết ra được vài chữ. Có ngày, những chuyện xưa cứ ồ ạt về kín cả trang viết. Những chuyện xảy ra rất lâu rồi, nhưng vì để lại tổn thương nặng nề cho mình nên tôi không thể quên", chị tâm sự với eVan.VnExpress.net.
Ôn lại quá khứ, dần dần hồi tưởng những chặng đường đau khổ, chị Hồng Tâm cố gắng dùng con chữ để giãi bày những mảng tối, sáng của đời mình. "Dù lời văn còn vụng về, còn sai nhiều lỗi chính tả (phải nhờ bạn bè sửa giúp), nhưng đó là sự thật câu chuyện đời tôi - một con người từ dưới đáy xã hội, đã may mắn được những tấm lòng nhân ái giang tay giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi làm lại cuộc đời", chị nói.
Bìa cuốn hồi ký của chị Hồng Tâm. |
Người phụ nữ gày gò, có khuôn mặt góc cạnh và mạnh mẽ này cho biết, mới 10 tuổi đầu, chị đã phải ở đợ hết nơi này đến nơi khác, cực khổ trăm bề.
Mẹ bỏ đi khi em trai út còn chưa biết đứng. Chị từng đi ăn xin, ăn cắp cơm nguội để nuôi các em. Do nhà ông bà nội quá nghèo, chị Tâm về sống với mẹ kế. Những năm tháng sống cùng dì ghẻ và những trận đòn roi oan nghiệt khiến chị hận đời, hận người. 9 tuổi, chị bỏ nhà đi tìm mẹ, mở đầu cho chuỗi ngày sống trong "bùn lầy" của cuộc sống: bị đánh đập, bị vu khống là ăn cắp, bị lạm dụng tình dục... 14 tuổi, Hồng Tâm tìm đến ma túy và liên tục vào ra các trường trại giáo dưỡng. Và tận cùng nỗi đau là chị phải bán thân để nuôi sống mình, các em, để thỏa mãn cơn nghiện ma túy luôn thúc bách...
Năm 1992, một nhóm tuyên truyền phòng chống HIV-AIDS ở quận 1, TP HCM kiên trì đeo bám, thuyết phục chị cai nghiện và gia nhập nhóm. Vì không muốn đời mình chìm mãi trong bóng tối, người phụ nữ nhỏ bé này đã dùng sức mạnh tinh thần để từ bỏ ma túy và trở thành một tuyên truyền viên phòng chống AIDS. Rồi tai nạn xảy ra trong một lần tiếp xúc đối tượng nhiễm bệnh khiến chị mắc AIDS.
Hiện tại, mang trong người căn bệnh thế kỷ giai đoạn cuối và mắc lao phổi, chị Hồng Tâm vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc tình nguyện. Chị tham gia chăm sóc các trẻ em mắc AIDS ở vỉa hè, công viên. "Bởi tôi biết, mong mỏi duy nhất của các em là được chết khi có người thân bên cạnh", chị nói. Với chị, làm tốt công tác xã hội, đóng góp sức mình để mang lại tình yêu, mái ấm gia đình cho những mảnh bụi đời đường phố là cách để trả ơn cuộc đời và những ai đã yêu thương, giúp chị tìm được ý nghĩa cuộc sống.
Dù biết tình trạng sức khỏe của mình không còn tốt, chị Tâm vẫn canh cánh nỗi lo: Khi chị ra đi, các con chị, những đứa trẻ thiếu may mắn do chị cưu mang, sẽ sống như thế nào. Chính vì thế, chị xem việc ra mắt sách hồi ký là rất quan trọng. Bởi đây là một cách để chị dùng ruột gan, kinh nghiệm xương máu cuộc đời dạy lại các em biết cách phòng vệ, bảo vệ mình trước cuộc sống, không để ai xâm hại đến cơ thể mình dù bất kỳ lý do gì... Và cũng là cách để cho xã hội, gia đình, những ai có trách nhiệm nhận thức rõ tầm quan trọng của sự quan tâm, sẻ chia, yêu thương sẽ giúp giảm bớt những tệ nạn.
Ở tuổi ngoài 50, mắc căn bệnh thế kỷ, chị Hồng Tâm vẫn rất lạc quan và hăng say làm việc. |
Chị Hồng Tâm hy vọng cuốn hồi ký sẽ được bạn đọc đón nhận tích cực, tiếp lửa cho chị viết tiếp cuốn hồi ký thứ hai, nói về quãng đời hoạt động công tác xã hội, về những số phận con người chị từng tiếp xúc cũng như về những người thân yêu đã giúp chị tái sinh.
Trong lời giới thiệu quyển hồi ký của chị Hồng Tâm, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP HCM) chia sẻ, ông biết Hồng Tâm từ những lớp tập huấn về HIV/AIDS do Trung tâm tổ chức. "Tâm xanh xao, ốm yếu, gầy nhom, nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, thẳng thắn và trung thực. Tôi đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Tâm trong chương trình phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt trong các hoạt động giáo dục đồng đẳng. Sau này tôi quý mến Tâm hơn khi biết em đang nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc cho các bé nhiễm HIV", ông bày tỏ.
"Tôi mừng vì nay Tâm đã có được một tập hồi ký. Điều rất đáng quý, Tâm viết sách như là một cơ hội để kiếm chút tiền nuôi các "con" nheo nhóc của mình. Từ chuyện đời thực của mình - qua lời kể chân thành của Tâm - nhiều khi làm cho chúng ta phải lặng người, phải giật mình sửng sốt… Như một nhắn gửi, một cảnh báo. Đọc, thấy rưng rưng… Cảm ơn em, Tâm 'si-đa'", Đỗ Hồng Ngọc xúc động viết.