Hai giờ chiều, bà Hoàng chuẩn bị tài liệu cho vào cặp, đi bộ một mạch ra con đường lớn trước nhà ở thị xã Cai Lậy đón xe. Sau gần hai tiếng với giấc ngủ chập chờn trên xe giường nằm, người phụ nữ 71 tuổi đến bến xe Miền Tây rồi lại tiếp tục đón thêm hai lần xe buýt nữa mới đến Đại học Văn Hiến trên đường Âu Cơ, quận Tân Phú.
Con đường đi học đã trở nên quen thuộc suốt bốn năm nay của bà Hoàng, cho đến buổi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh, cách đây hai tuần.
Bà Phạm Kim Hoàng là một giáo viên dạy văn đã về hưu. Vì không có chồng con nên thú vui tuổi già của bà là những chuyến du lịch một mình trong và ngoài nước. Thấy mấy đứa cháu tuổi còn nhỏ nhưng chểnh mảng chuyện học hành, bà hay khuyên chúng nên chú trọng đầu tư vào kiến thức trước rồi lo kiếm tiền sau. "Nhưng mình nói thế thì nghe suông quá, để làm gương cho tụi nhỏ nên tôi đăng ký học cao học. Mình già mà làm được thì tụi nhỏ mới noi gương", bà nói.
Ban đầu, bà chọn một ngành học ở trường đại học Tiền Giang gần nhà, nhưng vì nộp hồ sơ trễ, bà mất cơ hội. Tình cờ thấy ở trường đại học Văn Hiến, thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh lớp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh, người phụ nữ nộp hồ sơ luôn. "Tôi từng dạy văn, bây giờ học thêm về văn nữa thì thấy không có gì mới. Thấy ngành quản trị kinh doanh đang được xã hội quan tâm, ứng dụng được nhiều vào thực tiễn nên tôi chọn", bà lý giải việc chọn ngành trái sở trường.
Trường cách nhà gần 100 km, lại không biết đi xe máy nên mỗi lần đi học, bà phải chuyển ít nhất 3 lần xe. Nhưng suốt bốn năm qua, người phụ nữ này chưa một lần đi học muộn. Bà Hoàng kể, có lần vừa lên xe, nghe loáng thoáng các bác tài gọi điện bảo nhau trên đường cao tốc đang kẹt xe, bà nhanh trí xin xuống, lúc thì đi bộ, lúc thì đi xe ôm ra quốc lộ 1A đón xe khác để đến lớp đúng giờ.
Những buổi học thường kết thúc vào gần 9 giờ tối. Nhiều hôm giáo viên dạy cố nên tan học cũng hết xe buýt, bà phải đón xe ôm từ trường đến bến xe Miền Tây để đón xe khách để về nhà. Suốt hơn ba năm theo học, bà không nhớ đã bao nhiêu lần ăn tối khi đồng hồ điểm sang ngày mới.
"Dù luôn là người đi học sớm nhất lớp, nhưng cô Hoàng lại thường chọn ngồi ở ghế gần cửa nhất. Giảng viên vừa cho nghỉ, quay lại đã thấy cô bước vội ra đón xe buýt rồi. Tôi từng có thời gian định nghỉ học vì thấy không theo nổi nhưng cô Hoàng luôn động viên tôi: ‘Đã học thì phải học đến nơi đến chốn’. Nhờ cô, tôi mới có tấm bằng thạc sĩ", Dược sĩ Nguyễn Thành Tâm, 44 tuổi, bạn học chung lớp với bà Hoàng chia sẻ.
Tuy đi học xa, phải đổi xe liên tục nhưng chưa bao giờ bà Hoàng thấy nản chí. Bí quyết để luôn tỉnh táo khi vào lớp là quãng đường trên xe, bà luôn cố gắng chợp mắt. "Từ năm 2004, tôi từng du lịch một mình sang Thái Lan, Singapore, Campuchia... bằng xe khách rồi. Chỉ cần có sức khỏe là đi được nên tôi không ngại", bà cười.
Học chuyên ngành mới, cô giáo dạy văn thấy những kiến thức về kinh tế, quản trị giúp vốn kiến thức và hiểu biết cũ của mình được phát triển thêm rất nhiều. Sau hơn ba năm học về kinh tế, đầu óc mình nhanh nhạy hơn, những suy nghĩ, cách ứng xử, nói năng tự tin, hơn lúc trước. "Tôi lớn tuổi rồi, học ngành này ra cũng đâu để đi xin việc hay mở công ty làm ăn. Nhưng cháu tôi cần gì thì tôi sẽ tư vấn", bà nói.
Nhưng đi học ở tuổi thất thập cũng khiến bà Hoàng nhiều lần phải vật lộn, đặc biệt là khi phải làm bài tập, đề cương với nhiều bảng tính, biểu đồ bởi phần mềm ngày nay "khác xưa" nhiều quá. "Mấy cái biểu đồ cứ nhảy lung tung, đôi khi muốn chỉnh cho nó nằm ở một vị trí mong muốn nhưng không được", bà kể. Biết điểm yếu này nên mỗi khi làm bài nhóm, mọi người thường dành cho bà vị trí "cố vấn nội dung" còn những người trẻ, thành thạo máy tính sẽ làm trình chiếu để báo cáo.
"Có lần phải báo cáo cá nhân, giảng viên cung cấp sẵn mẫu, tôi chỉ việc chèn nội dung. Nhưng làm một hồi, mẫu của giảng viên bị 'biến dạng', mỗi trang mỗi kiểu trình bày khác nhau. Lúc báo cáo coi cũng được, không xuất sắc nhưng tôi đã cố gắng tự hoàn thành", bà cười, kể.
Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến giữa tháng 5 này, bà Hoàng mới được bảo vệ luận văn, lấy được tấm bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, cô giáo về hưu này vẫn chưa chịu dừng lại. Bà mới đăng ký thêm một khóa học ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn để lấy chứng chỉ giảng dạy, sau đó sẽ học thêm tiếng Anh.
Từ ngày đi học thạc sĩ, bà Hoàng không còn thời gian đi du lịch hoặc gặp gỡ những người bạn hưu trí của mình nhưng không cảm thấy cô đơn.
"Mỗi người có một thú vui tuổi già, cách sử dụng quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày khác nhau. Với tôi thì việc học tiếp như thế này khiến tôi vui, tôi hài lòng với chọn lựa của mình. Tôi tự lập, sống vui vẻ thì mấy đứa cháu tôi cũng không phải lo lắng gì", bà nói.
Diệp Phan