Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ sáu, 1/7/2022, 06:00 (GMT+7)

Người phụ nữ làm trại nuôi 500 chó mèo cứu hộ

TP HCMChị Huỳnh Thị Như Quyên, 44 tuổi, bỏ tiền thuê khu đất 2.000 m2 ở huyện Hóc Môn để nuôi hàng trăm chó, mèo được chuộc ra từ các lò mổ, suốt 6 năm qua.

Hơn 500 con chó, mèo bị bỏ rơi hoặc được chuộc ra từ lò mổ được bà Quyên gọi là "các con". Khu đất thuê được bà xây tường cao, kê giường tre, dựng bạt, làm hố gas... để những con vật có chỗ trú ngụ.

Cách đây 6 năm, gia đình bà bị mất chú chó cưng, phải lân la đến nhiều lò mổ, quán thịt cầy, chợ... kiếm nhưng không thấy. "Trong mấy ngày tìm cún tôi thấy nhiều con bị nhốt chật kín trong chuồng, nằm thoi thóp chờ bị giết. Ánh mắt chúng đầy thương cảm nên từ đó tôi bắt đầu đi cứu chó mèo", người phụ nữ 44 tuổi nói.

Lần đầu tiên bà cứu được vài con bằng tiền túi với giá chuộc từ vài trăm nghìn đồng một triệu đồng. Sau này nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng yêu động vật nên nhiều con được thoát khỏi cảnh thành mồi nhậu.

Ban đầu chúng nuôi tại nhà nhưng không gian chật chội nên hai năm nay, bà thuê đất ở khu vực rộng rãi làm trại cứu hộ để nuôi được nhiều hơn và không ảnh hưởng hàng xóm.

Căn nhà trong khu đất là nơi cư ngụ của hàng trăm giống mèo. Bà cho biết, mỗi con khi cứu về đều có hoàn cảnh riêng nhưng hầu hết "các bé" đều bệnh, gầy rộc, hoảng loạn... bởi từng bị đối xử tệ trong các lò mổ.

Lúc mới nuôi số lượng lớn, người phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong việc trị bệnh cho chúng, khiến một số con vật không qua khỏi. "Khi ấy mình chỉ biết nuôi, cho "các con" ăn no. Về sau mình tìm hiểu các bệnh của chó mèo, cách pha chế thuốc nên giờ hầu như không phải đi thú y nhiều như trước nữa", bà nói, tay vuốt ve đàn thú cưng của mình.

Mỗi ngày, đàn chó mèo ăn hết khoảng 65 ký gạo và 20 ký thịt heo, cá, riêng mèo cho ăn thêm hạt. Thực phẩm sống được trữ trong tủ đông, mua từ chợ đầu mối với giá sỉ. Ngoài ra bà còn lấy thêm thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán quen ở gần nhà.

Ông Nguyễn Phước Trí, một người làm công cho bà Quyên, hàng ngày có nhiệm vụ chia các phần cơm được nấu nhuyễn trộn với thịt xay vụn vào thau để cho chó ăn, mỗi ngày hai bữa sáng chiều.

"Cách đây 4 năm thấy bà ấy làm một mình trong khi số vật nuôi lại quá nhiều nên tôi qua hỗ trợ. Càng chăm sóc tôi lại thêm yêu quý bầy thú cưng hơn, rồi gắn bó lúc đến tận bây giờ", người đàn ông 60 tuổi cho biết.

Ông Trí ở lại trại cả ngày để phụ bà chăm sóc đàn thú cưng mỗi ngày. Công việc chủ yếu là cho ăn, dọn vệ sinh, tắm rửa, trị bệnh cho chó mèo, mỗi tháng được hỗ trợ 4 triệu đồng.

Ông cho biết, thời điểm dịch Covid-19 năm trước là khoảng thời gian khó khăn nhất. Lúc ấy thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên nguồn thức ăn hạn chế, phải nấu cháo loãng để đàn chó mèo cầm cự qua ngày.

Trước kia để có thêm chi phí lo thức ăn cho "đàn con", bà Quyên bán tàu hũ, hơn một năm nay thì chuyển sang nấu hủ tiếu, bán buổi sáng và tối cho đến 12h đêm.

"Một tháng chi phí nuôi cũng hơn 60 triệu nên bán hủ tiếu thôi vẫn chưa đủ. May mắn tôi được gia đình ủng hộ, cộng đồng hỗ trợ thêm nên hiện vẫn đủ sức lo cho chúng", bà nói.

Buổi trưa, tranh thủ thời gian nghỉ bán bà lại ghé trạm chăm lo cho đàn thú cưng của mình, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 4-5 tiếng. Trại cũng luôn mở cửa để chào đón những người yêu thương vật nuôi tới thăm và hỗ trợ "các con" ăn uống, chăm sóc sức khỏe.

"Giờ tôi chỉ mong quán hủ tiếu đắt khách hơn để có thêm tiền lo đồ ăn cho tụi nhỏ. Cảm giác nhìn chúng khoẻ mạnh, mỗi lần đến thăm đều nhảy cẩng lên vui mừng đón mình là vui rồi", người mẹ của đàn chó mèo cho biết.

Quỳnh Trần