Là người dân tộc Bố Y, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, gia đình chị Lồ Lài Sửu được mệnh danh là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh với mức thu lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Thành công và trở thành “Nông dân sản xuất giỏi”, chị Sửu cùng gia đình chẳng những không giấu nghề mà còn truyền kinh nghiệm lại cho bà con và hỗ trợ vốn sản xuất lên đến 20-30 triệu đồng mỗi hộ.
"Trước đây, nhà tôi cơm không đủ ăn, đi làm thuê cũng không ai mướn hết, một cân ngô đem trồng chỉ thu lại có 40 cân, phải kiếm cơm từng bữa, đói lắm", chị Sửu bộc bạch.
Dù làm nông nghiệp là chính nhưng trước đây gia đình chị Sửu chỉ trồng ngô (bắp) là chủ yếu, trồng lúa cũng ít nên mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Bám mãi vào lối mòn canh tác lạc hậu ấy, nhiều hộ gia đình cũng giống như chị Sửu đều lâm vào cảnh khó khăn, cái đói vẫn cứ đeo bám qua nhiều thế hệ.
Quyết tâm thoát nghèo cùng với sự hỗ trợ của cán bộ Đảng và Nhà nước, gia đình chị Sửu đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác mới, chuyển sang trồng quýt, mía xương gà. Không ai thuê làm mướn thì gia đình chủ động tự khai thác thêm đất canh tác để trồng lúa và giống ngô lai mới với hy vọng tăng thêm sản lượng thu hoạch.
Khoảng thời gian đó, vợ chồng chị Sửu và con cái đều vất vả, làm việc cật lực suốt ngày chỉ mong kiếm được cái ăn, hy vọng phương thức canh tác mới sẽ hiệu quả, đời sống sẽ khá lên. Cuối cùng quýt cũng cho sản lượng cao, giống ngô lai mới thu hoạch tốt hơn giống cũ, vậy là gia đình chị Sửu cũng chủ động mua trâu, ngựa, lợn thịt và gia cầm về chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập.
Chị Sửu cho biết: "Lúc đầu còn chưa dám trồng quýt nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đoàn thể xã mà gia đình đình tôi mới dám trồng, giống ngô lai mới thu hoạch được nhiều hơn, chăn nuôi cũng đem lại thu nhập tốt. Nhờ đó mà vài năm gần đây, gia đình tôi mới kinh doanh thêm vận tải hàng hóa, thu mua nông sản và cung cấp phân bón cho nông dân, bây giờ cuộc sống không khổ như trước nữa".

Ông Lùng Chử Giàng (chồng chị Sửu) đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình.
Giờ đây, đời sống được cải thiện, gia đình chị Sửu đã xây dựng được nhà cửa khang trang, có đầy đủ tiện nghi hơn trước, niềm tin vào phương thức canh tác mới được củng cố. Chị Sửu đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi với bà con và nhiệt tình hỗ trợ vốn canh tác cho những hộ gia đình khó khăn. Ngoài ra, gia đình chị cũng chủ động tham gia công tác xã hội của thôn. Chị cho rằng: “Mình có thể thoát nghèo thì bà con trong thôn cũng có thể. Cả thôn, cả xã đều thoát nghèo thì đâu đâu ai cũng vui vẻ hạnh phúc".
Song song với làm nông nghiệp, gia đình chị Sửu còn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt nhất chính là những phong trào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên cả nước chỉ có hơn 2.000 người dân tộc Bố Y, sông chủ yếu ở các huyện biên giới tỉnh Lào Cai và Hà Giang, văn hóa truyền thống của dân tộc Bố Y đã dần phai nhạt, mất dần bản sắc. Ngấm từ nhỏ những làn điệu dân ca truyền thống chứa chan tình người, tình yêu quê hương đất nước, chị Sửu đã chủ động sưu tầm và dịch phiên âm lại những bài hát dân ca Bố Y trong hơn 20 năm qua để lưu truyền cho thế hệ sau.
Nhờ những bài hát ru, ca dao dân ca, điệu múa và phong tục tập quán của người Bố Y đã được chỉ Sửu ghi chép qua những lần đi giao lưu văn nghệ ở các xã khác, tự nghiên cứu và tìm hiểu từ các cụ già trong vùng, văn hóa Bố Y dần được gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ sau. Đời sống tinh thần của người dân trong vùng ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các chị em phụ nữ, những người được chị Sửu trực tiếp truyền lại.
Chị Sửu chia sẻ: “Làm việc trên rẫy vừa cực vừa mệt, chúng tôi chỉ biết có ca múa để giải trí. Biểu diễn cho mọi người xem, được mọi người tán thưởng khiến chúng tôi rất vui vì vậy phải giữ gìn những bài hát, những truyền thống của cha ông để chúng không bị mất đi”.

Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Lồ Lài Sửu còn là Nghệ nhân loại hình tri thức dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng
Đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc thì một người yêu truyền thống như chị Sửu đã thật sự là một “Nghệ nhân dân gian” xuất sắc, đã vực dậy một nền văn hóa đang dần biến mất. Những năm gần đây, chị Sửu đã chủ động tìm hiểu và cùng nhân dân trong thôn Lao Hầu phục dựng một số ngày lễ tết truyền thống của dân tộc Bố Y như “Tết mồng 8 tháng 4”, “Lễ tạ ơn trâu”…
Mai Thương
Từ nay đến ngày 20/12, bạn có thể chia sẻ câu chuyện về chân dung những phụ nữ tự tin, tiến bước ngoài xã hội và có những đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt cho phụ nữ qua bài viết dạng text kèm 2 tấm hình của nhân vật. Gửi file word và hình ảnh về địa chỉ email: giaithuongtutintienbuoc@gmail.com. Trong bài ghi rõ địa chỉ liên lạc của người viết và của nhân vật. Tác giả bài viết chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong bài.
Mỗi tuần, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Công ty P&G sẽ chọn ra một bài viết hay nhất để trao quà tặng là một năm sử dụng miễn phí sản phẩm Ariel.