"Tôi là khách hàng của bà 5 năm qua nên biết, bà đã bảo hỏng là hỏng thật. Vô phương cứu chữa", anh Trần Xuân Hương, 36 tuổi, nói. Anh là vị khách mở hàng cho cửa hàng của bà Sâm ở số 46 Ngọc Lâm, Long Biên, trong buổi sáng cuối tháng 11. "Biệt tài của bà là đôi khi không cần kiểm tra bằng máy, chỉ nhìn bằng mắt, bà có thể đọc bệnh của xe hay ắc quy vanh vách".
Đi về phía dãy ắc quy xếp chồng lên nhau trong tiệm, bà Sâm chọn chọn một cái rồi hướng dẫn khách cách lắp. Anh tài xế chăm chú nghe.
Hơn 50 năm trước, cô nữ sinh Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Sâm được cử đi học ngành điện ôtô bốn năm. Tốt nghiệp, Hồng Sâm được phân công về Thái Bình, làm đội trưởng đội xe 10 người, chỉ có hai nữ - chuyên sửa chữa, bảo dưỡng các loại xe ôtô thuộc xí nghiệp vận tải - xe khách Thái Bình. Hồi đó, đồng nghiệp hay thắc mắc một cô gái Hà Nội sao lại xuống tỉnh làm công việc suốt ngày dầu mỡ này, cô chỉ bảo: "Nhà nước đặt đâu, tôi làm đấy".
Năm năm sau, bà Sâm được điều chuyển về Hà Nội. "Nhiều hôm chui dưới gầm xe, hai chân phải chống lên để đỡ cái đề ma rơ (bộ phận khởi động động cơ), nặng như con lợn, còn tay thì sửa máy", bà nhớ lại. Ở tuổi 45, đang làm đúng chuyên môn, người phụ nữ được điều động làm việc khác. Vốn quen với dầu mỡ, động cơ, bà không chịu được cảnh "nhàn nhã" nên xin nghỉ hưu sớm.
Về nhà, người phụ nữ mua phụ tùng, tiếp tục công việc từng học và làm suốt thời trẻ. Tấm biển "Sửa chữa đồ điện vặt" được dựng lên trước cửa nhà khi bà đã có ba con, chồng làm công việc nghiên cứu, viết sách.
Hàng xóm xung quanh thấy bà mở tiệm ai cũng bật cười. "Sao không kiếm công việc gì hợp với phụ nữ ấy. Sửa ba thứ này vừa lem nhem lại nặng nhọc", vài người khuyên. "Tôi mất công học, bỏ uổng lắm. Ai cũng muốn ngồi bàn giấy cho xinh thì kiếm đâu ra người quét rác", bà đáp.
Hàng ngày, bà búi cao tóc, mặc áo tối màu hí hoáy sửa xe máy, ôtô, đồ điện gia dụng cho dân quanh vùng. Xe tải, xe khách, xe cần cẩu... xe nào bà cũng có thể nhảy lên lái được.
Là người có nhiều kinh nghiệm nhưng khách hàng lại quý nhất đức tính tận tình vì khách của bà. Ông Đặng Minh Đạo, ở TP Ninh Bình kể lại kỷ niệm lần đầu tiên gặp bà Sâm cách đây hơn 20 năm. Lần đó, khi đang lái xe qua Gia Lâm thì bộ máy phát điện bị cháy. Xe dừng giữa ngã ba đường, người đàn được dân quanh vùng chỉ đến tiệm bà Sâm. Không có phụ tùng thay thế, bà chủ tiệm ngồi quấn dây điện cho khách từ sáng đến tận 10 giờ khuya.
"Công việc tỉ mỉ, phải quấn dây sao cho vừa đủ, lại khớp nên tốn nhiều thời gian. Tôi ngồi đợi lâu quá phải ra quán nước ngồi, còn bà ấy ăn vội bát cơm lại ra sửa vì biết tôi cần về gấp", ông Đạo kể. Sau lần đó, cả hai không còn liên lạc. Nhưng năm ngoái, nghe một người quen ở Ngọc Lâm nói chồng bà qua đời, ông Đạo gửi điện viếng. Ông bảo: "Tôi không thể quên sự tận tâm của bà ấy".
Am hiểu chuyên môn, bà Sâm hiếm khi khiến khách hàng thất vọng. Có lần, một vị khách chạy ôtô đến trước cửa tiệm nhà bà, giọng trách móc: "Chị xem, cái bình ắc quy mới mua ở chỗ chị mà giờ xe đề không nổ. Chị bảo hành cho tôi đi". Đang ngồi sửa quạt, phủi tay vào quần, bà Sâm đến kiểm tra. Sau khi xem xét, bà khẳng định ắc quy không lỗi.
"Chị nói thế mà nghe được, không lỗi sao tôi lại không đề được", người này cau có. "Không phải không đề được, mà là lúc đề được, lúc không. Đúng không?", bà điềm tĩnh hỏi lại. Người này gật đầu.
"Là do dây điện nối máy phát với ắc quy đôi khi bị dính ra mát nên tiêu điện. Cậu cứ tưởng tượng máy phát là nơi nạp thức ăn vào ắc quy - thứ được ví như dạ dày, còn dây điện là cầu nối. Tiêu hao thức ăn làm sao khỏe mà đề được?", bà thợ giải thích. Sau đó, bà Sâm sửa lại dây điện cho khách, vệ sinh thêm rơ-le đề vì thấy bị bẩn. Máy đề tốt, ông khách lúc đó mới "tâm phục, khẩu phục" nói cảm ơn.
Bao năm qua, trừ lúc ốm đau, bà rất ít khi đóng cửa hàng, thậm chí còn không dám đi du lịch, vì sợ "khách đến tìm mà không gặp thì nhỡ việc của người ta".
Năm năm trước, hơn 10 giờ đêm ngày 30 Tết, anh Nguyễn Văn Đồng, 52 tuổi mới tan ca trực. Từ cơ quan ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, anh lái xe về nhà ở Long Biên. Đến gần phố Ngọc Lâm xe đột nhiên hỏng. Nhìn thấy tấm biển trước cửa nhà bà Hồng Sâm, anh lấy điện thoại gọi cầu may. Sau vài hồi chuông, người phụ nữ bắt máy. Đang dở tay chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa, bà Sâm vẫn sai cháu nội mở cửa để sửa xe giúp khách.
"Đường phố vắng vẻ, quán xá đều đóng cửa. Tôi đánh liều xem có ai giúp không. Giữa lúc đó nhưng bà không chỉ sửa giúp mà còn hướng dẫn cách sử dụng xe sao cho bền", anh Đồng nói. Gần đây, bình ắc quy từng được bà Sâm thay đã hỏng, anh Đồng quay lại quán cũ, nhắc chuyện xưa. Mái tóc bà thợ sửa xe giờ đã ngả bạc.
Tuổi cao, sức giảm, chục năm nay, bà ít sửa xe mà chỉ chuyên bán và sửa ắc quy cho khách. Nếu chẳng may có ai đó hỏng xe dọc đường hay lúc đêm khuya bà mới sửa giúp.
Từ lúc trẻ cho đến bây giờ, bà Sâm hiếm khi trang điểm, thả tóc, kể cả dịp lễ, Tết vì sợ bất chợt lại có người gọi. "Tôi có phải ngồi văn phòng đâu mà vôi ve son phấn", bà cười, chia bàn tay to bản, thô ráp, lem nhem màu dầu luyn ra, tự ví nó như đàn ông.
"Trong ký ức tuổi thơ tôi, mẹ lúc nào cũng lấm lem, chui trong gầm ôtô. Bây giờ mẹ không sửa nhưng thi thoảng vẫn phải vác những bình ắc quy nặng cả chục, thậm chí vài chục kg. Tôi muốn giúp mẹ nhưng bà bảo phải có mẹo mới vác được", chị Hoàng Kim Ngân, 42 tuổi, con gái thứ hai của bà Sâm nhớ lại.
Ba người con thành đạt cũng là lúc bà Sâm già yếu. Các con tổ chức họp gia đình muốn mẹ nghỉ việc nhưng năm nào bà cũng hứa "sang năm sẽ nghỉ". Bà lão không đành lòng khi tiệm sửa xe cả đời gắn bó đóng cửa. "Tôi muốn có người để truyền nghề sửa chữa ôtô, nhưng ba đứa con chẳng đứa nào chịu theo", bà thợ nói.
Có lần, ba người con của bà Sâm thuê người giả vờ mua cửa tiệm và xin học nghề để mẹ tình nguyện "về hưu". Thấy có người đến nói trúng ý mình, bà lão mừng ra mặt. "Bà càng tỏ ra vui mừng, chúng tôi lại càng áy náy. Sợ mẹ biết bị lừa sẽ buồn và giận nên mấy anh em không dám nữa", chị Ngân kể. Khi bố qua đời, các con bà càng có lý do để không ép mẹ nghỉ ngơi.
Vài ngày trước, chị Ngân lên mạng xã hội kể chuyện về người mẹ của mình. "Bà giờ già yếu, lại cẩn thận nên sẽ làm lâu hơn những người khác. Tôi mong ai sống ở quanh khu vực Long Biên có nhiều thời gian thì ghé tiệm của bà. Cốt là cho mẹ được làm việc mình thích, có người trò chuyện cho đỡ buồn", chị Ngân chia sẻ.
Vãn trưa, bà Sâm vẫn mải mê trò chuyện với vị khách lần đầu ghé tiệm. "Thế bà tính khi nào sẽ nghỉ hưu lần hai ạ?", khách hỏi bà lão. "Tôi làm đến rụng cả răng rồi còn đâu. Sang năm sẽ nghỉ", bà Sâm cười.
"Năm nào con cũng nghe bà nói mãi câu đó mà có thấy nghỉ đâu!", cô con gái ngồi cạnh trêu lại bà rồi hai mẹ con cùng cười.
Phạm Nga