Người phụ nữ 37 tuổi ở huyện Thanh Trì không dám cho bố mẹ hai bên và họ hàng biết chuyện này bởi phong tục địa phương coi đó là điểm gở. Chị thấy bình thường và làm vì muốn gia đình bớt gánh nặng hậu sự.
"Tôi mong khi mất sẽ được thờ bằng bức ảnh lúc bản thân đẹp nhất, được xây mộ gần nhà để chồng con tiện hương khói", chị Tuyền nói.
Nhưng đó là chuyện tương lai, hiện tại chị vẫn sống vui vẻ, ngày ngày cống hiến và trở thành niềm động viên tinh thần cho những bệnh nhân ung thư cùng cảnh ngộ.
Năm 2016, sau vài tháng ho không dứt, chị Tuyền đến viện gần nhà kiểm tra. Thấy đầu ngón tay thâm đen và có hình dùi trống, bác sĩ đề nghị đến viện lớn làm thêm xét nghiệm. Ban đầu, chị chỉ nghĩ mình bị viêm phổi, nhưng sau sinh thiết, Tuyền hiểu bệnh của mình không đơn thuần uống vài đơn thuốc là khỏi.
"U của em là ác tính", câu nói của bác sĩ khiến Tuyền chết lặng. Khi đã trấn tĩnh, chị gọi cho chồng thông báo bị ung thư phổi giai đoạn 3B, đã di căn. "Vợ chồng mình cùng nhau chiến đấu", chồng chị, người đàn ông thường ngày khá kiệm lời, khẳng định với vợ.
Mang tinh thần chỉ còn vài ngày để sống, người phụ nữ 30 tuổi năm ấy lao vào sắp xếp việc gia đình, dặn chồng cách chăm sóc hai con, đứa 5 tuổi, đứa 2 tuổi rồi nhập viện.
Bảy tháng đầu, phác đồ điều trị của Tuyền kéo dài 21 ngày một lần. Những ngày đầu vào thuốc, cơ thể đau đớn như hàng trăm ngàn kim tiêm đâm thẳng vào xương tủy, nhấp ngụm nước hay ngửi mùi lạ cũng nôn. Đến bữa, thức ăn chưa đi qua cổ đã bị nôn ra nhưng Tuyền không cho phép bản thân dừng lại. Chị hiểu chỉ ăn mới có sức điều trị.
Tuy vậy, người mẹ hai con thừa nhận những giây phút quá đau đớn, chỉ mong được giải thoát. Nhưng trong cơn mê man, chị vẫn cảm nhận được đôi bàn tay bé xíu của con gái 2 tuổi sờ vào trán hay hơi ấm từ chiếc chăn mà cậu con trai 5 tuổi đắp cho mẹ mỗi lần cả hai đi học về.
"Tôi phải tiếp tục sống để được nhìn hai con cắp sách tới trường, để ít nhất một lần được dẫn chúng đi khai giảng", Tuyền nói.
Mỗi sáng, người phụ nữ này được chồng đưa vào viện điều trị, chiều đón về. Giữa buổi, em gái mang cơm và đồ dùng đến. Hiểu mọi người đều phải đi làm lo viện phí, cô nói bản thân có thể tự chủ mọi thứ trong viện, thậm chí động viên người nhà cần vững tin và không đầu hàng số phận.
Giữa năm 2019, bệnh tình dần chuyển biến xấu do bị tràn dịch và di căn màng phổi, cơ thể đau nhức, ăn ngủ không ngon. Nghĩ thời khắc sinh tử đã điểm, Tuyền bình thản đón nhận, chủ động làm sẵn ảnh thờ cho mình, bàn với chồng tìm mua đất ở nghĩa trang Văn Quán, quận Hà Đông cho gần nhà.
"Dù sao đó cũng là phần tất yếu của cuộc sống", chị nói với chồng. Nhưng nhờ kiên trì thực hiện theo phác đồ điều trị, sức khỏe Tuyền dần khá lên.
Tới tháng 3/2021, trải qua hơn 100 mũi truyền hóa chất, các phác đồ điều trị đều kháng thuốc, bệnh viện thông báo dừng điều trị. Lần thứ hai, người phụ nữ này lại chuẩn bị sẵn tâm lý.
Nhìn lại tấm ảnh thờ cũ "trông quá nghiêm nghị", Tuyền rủ hội bạn thân đi chụp ảnh cúc họa mi. Chị tâm sự, mong di ảnh mới rạng rỡ, tràn đầy sức sống để người ở lại mỗi khi nhìn vào đều nhớ tới một người phụ nữ không đầu hàng số phận.
"Nhận ảnh từ thợ chụp, tôi tự lồng khung kính rồi bất giác bật khóc vì thấy chẳng mấy ai trên đời có cơ hội được làm di ảnh cho mình", chị nói.
Dù bị viện trả về, Tuyền vẫn uống thuốc duy trì. Chị tập bán hàng online để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp chồng. Mỗi khi rảnh, bà mẹ hai con lại trồng rau sạch ở mảnh đất trống sát chung cư, điều chưa từng làm lúc còn khỏe, bởi công việc bận rộn. Tuyền khoe, từ khoảnh đất vài mét vuông, chị khai hoang lên hàng chục mét, được hàng xóm giúp đào hố lấy nước, tự đánh luống trồng rau, xen thêm hoa cúc, hướng dương.
Hàng ngày, nhìn những hạt cây nảy mầm, chồi non nhú lên xanh mướt, một cảm xúc mới lạ, tràn đầy năng lượng bỗng trỗi dậy trong lòng người phụ nữ. Tuyền nói cảm nhận được sức sống âm ỉ trỗi dậy trong lòng đất mỗi ngày.
"Có một cái cây tưởng chết vì đứt rễ, nhưng tôi vẫn kiên trì chăm bẵm. Sau hai tháng lại thấy một, hai rồi nhiều lộc non nảy mầm, cảm giác như chính mình được hồi sinh", chị tâm sự. Từ đó, Tuyền coi cây cỏ như những người bạn, mỗi lúc đau đớn lại tìm xuống vườn trò chuyện như một cách giải tỏa và xoa dịu tinh thần.
Hiện dù sức khỏe dần ổn định, nhưng Tuyền vẫn âm thầm chuẩn bị cho một ngày phải rời xa gia đình. Sợ con gái không còn mẹ ở bên khi tuổi dậy thì, chị bắt đầu dạy những bài học cơ bản về giới tính, hướng dẫn thông tin, dạy con cách tự chăm sóc bản thân, dù biết những việc này có thể quá sức với cô bé. Bên cạnh công việc kinh doanh riêng và chăm lo cho gia đình, người phụ nữ này còn thường xuyên nhắn tin động viên, chia sẻ kinh nghiệm với những bệnh nhân khác.
Mong truyền cảm hứng tích cực đến bệnh nhân ung thư, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, ba ngày trước, Tuyền nhờ cháu gái làm video ngắn chia sẻ câu chuyện và hành trình 7 năm chống chọi bệnh tật lên mạng xã hội. Đoạn video thu hút hàng trăm nghìn lượt yêu thích và bình luận.
Nhiều người không quen bày tỏ sự sự khâm phục, cùng nghị lực vươn lên của chị. "Thật mạnh mẽ, kiên cường. Chúc bạn luôn vui, khỏe, nhiều nghị lực để chiến thắng bệnh tật để có thể lan tỏa những điều tích cực đến với mọi người", người dùng Hải Phượng viết.
Đọc lời động viên từ nhiều người, Tuyền khẳng định không muốn nổi tiếng, chỉ mong từ câu chuyện của bản thân có thể truyền thông điệp "Hãy cố gắng bước tiếp, dù bạn có trải qua những gì khó khăn nhất". Chị nhắn thêm, khi còn được sống và còn thở, đừng nên từ bỏ hy vọng.
Đồng hành và hỗ trợ Tuyền điều trị trong giai đoạn đầu phát hiện bệnh, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, trong nhóm bệnh nhân ung thư phổi, người trẻ như Tuyền khá hiếm. Tuy nhiên sức khỏe của bệnh nhân hiện ổn định.
Bác sĩ Thịnh đánh giá Tuyền là người rất kiên trì, nghị lực và cá tính. Bệnh nhân luôn tuân thủ theo phác đồ điều trị, không bỏ dở vì tác dụng phụ của thuốc, trong quá trình chữa bệnh vẫn cần mẫn lao động, làm việc đồng thời tham gia nhiều hoạt động xã hội, giúp khuây khỏa trong vấn đề tâm lý cho bản thân cũng như hỗ trợ khá nhiều cho những bệnh nhân khác.
"Đây là điều không phải người bệnh nào cũng có thể làm được", vị bác sĩ chia sẻ.
Hải Hiền - Quỳnh Nguyễn