Nhiều năm liền, Jane Carroll, một giám đốc điều hành tại Hong Kong đối phó với ba tình trạng bệnh cùng lúc. Năm 2014, cô được chẩn đoán mắc bệnh viêm tuyến giám Hashimoto, khiến hệ miễn dịch tấn công các tế bào tuyến giáp như thể chúng là vi khuẩn, virus hoặc các mầm bệnh ngoại lai. Kết quả, tuyến giáp của cô hoạt động kém, dẫn đến mệt mỏi, tăng cân và giảm lượng cơ bắp.
Đến 2016, Carroll phải phẫu thuật cột sống trong 10 giờ để loại bỏ hai đĩa đệm nhằm giải phóng các dây thần kinh sau chấn thương lưng. Năm 2020, cô được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, đây là tình trạng tích tụ chất béo trong gan, thường thấy ở những người thừa cân.
Thiếu năng lượng và phải sử dụng thuốc, bà mẹ ba con 48 tuổi tăng cân không kiểm soát, vượt mức 100 kg vào tháng 5 năm ngoái.
"Tôi đã hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn không đúng giờ hoặc bỏ bữa, khẩu phần ăn lớn, không tập thể dục. Tất cả đều dẫn đến tăng cân", Carroll nói.
Cô từng thử nhiều chế độ ăn kiêng thịnh hành trong vài năm, nhưng không hiệu quả. Các phương pháp này kém bền vững, khiến Carroll tăng cân trở lại, thậm chí vượt số cân nặng cũ. Nghe theo lời khuyên của chồng, cô bắt đầu đi tập gym.
"Tôi cảm thấy xấu hổ về cân nặng của mình. Tôi không thích ngoại hình của bản thân và sợ rằng sẽ không thực hiện được những bài tập đơn giản", Carroll kể lại.
Vượt qua những lo sợ ban đầu, cô bắt đầu các buổi tập cường độ cao kéo dài một giờ, ba lần mỗi tuần. Bài tập bao gồm squat, kéo tạ tay, tạ chân và tập lưng xô. Carroll cũng đặt mục tiêu bước từ 12.000 đến 15.000 bước mỗi ngày.
"Tôi bắt đầu đi bộ đường dài trong khu phố khoảng một tiếng rưỡi mỗi ngày. Có những ngày tôi đi được 30.000 bước. Giờ đây, tôi đi bộ khắp nơi, dành thời gian cho thiên nhiên. Đó đã trở thành một thói quen", Carroll cho biết.
Người phụ nữ cũng bỏ phương pháp giảm cân không lành mạnh là ăn một hoặc hai bữa mỗi ngày. Huấn luyện viên cá nhân khuyên cô nên chia nhỏ khẩu phần và ăn thành nhiều bữa để thúc đẩy trao đổi chất, chống lại bệnh tuyến giáp.
Carroll cắt bỏ hoàn toàn thực phẩm chế biến sẵn và đồ chiên rán, bắt đầu ăn nhiều protein hơn. Bữa sáng của cô thường có trứng, bữa trưa có thịt gà hoặc cá, cơm và salad. Bữa tối cô ăn bít tết và rau.
"Tôi từng nghĩ rằng cần ăn ít hơn để giảm cân. Giờ đây, tôi hiểu được bạn nên ăn 'vừa đúng' lượng calo, thay vì cắt giảm", Carroll nói.
Cô cũng cai rượu hoàn toàn, chỉ uống một ly trong những buổi tụ tập nếu cần thiết.
Chế độ tập luyện thường xuyên và ăn uống lành mạnh giúp Carroll giảm lượng mỡ cơ thể từ 40% xuống 18% từ tháng 5 đến tháng 8/2022. Trong 7 tháng, cô giảm hơn 70 kg. Hiện cân nặng của Caroll là 69 kg.
Bên cạnh giảm cân, tình trạng sức khỏe của Caroll cũng cải thiện. Cô không còn bị tiểu đường, đẩy lùi được bệnh gan nhiễm mỡ, tuyến giáp của cô cũng hoạt động tốt hơn, có thể giảm liều thuốc, làm xét nghiệm máu hàng năm thay vì hàng quý.
Carroll chia sẻ câu chuyện để truyền cảm hứng cho những người đang muốn giảm cân. "Cách duy nhất để giảm cân bền vững là tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Có những ngày tôi không muốn tập luyện, nhưng tin tưởng vào quá trình và duy trì động lực là điều bắt buộc nếu bạn muốn đạt mục tiêu cuối cùng", cô nói.
Quá trình giảm cân khiến Carroll trở nên cân đối, hạnh phúc và nhiều năng lượng, tiếp tục khuyến khích cô duy trì lối sống lành mạnh, năng động và cân bằng. Theo cô, những thay đổi về tinh thần là niềm khích lệ lớn lao nhất, dù ngoại hình là điều dễ thấy.
Thục Linh (Theo SCMP)