Trên con đường Lê Văn Việt (quận 9, TP HCM) luôn nhộn nhịp xe cộ, ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ luôn khép hờ cửa. Nằm ở mặt tiền nhưng chị Nguyễn Ngọc Mỹ không tận dụng nhà kinh doanh mà dành toàn bộ nuôi 90 chú chó Nhật vốn vô chủ.
Người phụ nữ 45 tuổi phải vạch từng con đang xoắn xít dưới chân để ra mở cửa khi có khách đến. Thấy người lạ đàn chó sủa vang, song lập tức im bặt khi chị Mỹ ra hiệu. Sàn nhà lúc nhúc chó lớn, chó nhỏ; nhiều con đùa giỡn trên bàn, cầu thang...
Chưa lập gia đình, chị Mỹ có tình yêu khó lý giải với đàn chó "khủng" hơn 22 năm nay. Chị kể, hồi bé nghe ông ngoại kể chuyện cổ tích về chú chó nghĩa tình giúp con người giữ lại hạt thóc khi ông trời trách phạt. Nhờ hành động đó con người mới có cái ăn. Ở nhà chị luôn cho chó ăn trước bữa của gia đình.
"Tình yêu với chúng thai nghén từ đó. Lớn lên thấy chúng dù trung thành nhưng bị đối xử tệ bạc nên thấy ai định bỏ chó mình lại mang về nuôi, dần dần đầy cả nhà", chị nói.
Để nuôi chúng, mỗi ngày chị cần đến 13 kg gạo nấu cơm, 150.000 đồng thức ăn (gan heo, bò...). Làm không xuể, chị thuê thêm người trợ giúp. "Khám chữa bệnh cho chúng cũng mất khá nhiều tiền. Con nào bị bệnh là tốn 1-2 triệu đồng ngay. Có lần tôi mất hơn 11 triệu để phẫu thuật cứu chó", chị Mỹ chia sẻ.
Từng là chủ cơ sở may có tiếng với hơn chục nhân công tại nhà, song khi đàn chó ngày một tăng chị Mỹ chấp nhận bỏ công việc đang ăn nên làm ra và thời gian để chăm sóc chúng.
Có đến gần trăm chó nhưng chị Mỹ nhớ tên từng đứa. "Đây là Mạng To nè. Nó bị con khác cắn, phải khâu đến 36 mũi nên tôi đặt cho tên đó. Kia là Hồi Sinh, cái tên có sau trận ốm tưởng không qua khỏi của nó. Rồi có con tên Tò Mò vì nó cứ đi lục lọi tùm lum. Hay con Vịt Bầu, Họa Vô Đơn Chí, Thu Sầu, Lặng Lẽ... Chủ yếu mình đặt tên dựa vào đặc điểm hay câu chuyện của riêng chúng", chị Mỹ cho hay.
Xoa cánh tay chi chít sẹo, chị Mỹ bảo do những chú chó cưng gây ra. Trong lúc chị chăm sóc, đùa giỡn với con này thì con khác ganh tỵ nên cắn qua lại. Chị phải lao vào can ngăn nên dính thương tích.
"Chúng không cắn mình đâu, do vô tình cắn nhau đụng mình thôi. Mà nhiều đứa dễ thương lắm, mình tập nhảy tầng trên chúng biết được cũng co chân nhún nhảy y như người vậy. Những lúc vậy mình tưởng như có cả chục đứa bạn đang ở bên cạnh", người phụ nữ cười tươi.
Xem chúng như bạn nên khi có con chết chị Mỹ tắm rửa sạch sẽ rồi ướp trà, bỏ vào hộp thiếc hoặc thùng gỗ mang đi chôn.
"Có lần giữa đêm mình mang chó vào nghĩa trang chôn thì bị bảo vệ phát hiện. Ông ấy nghi mình làm chuyện mờ ám, phi tang xác trẻ em nên nhất định đòi kiểm tra. Khi mở thùng, biết mình nói thật ông rất bất ngờ rồi cho mình chôn tạm", chị kể.
Sống với bầy chó hơn 20 năm nên chị Mỹ huấn luyện cho chúng rất quy củ, có khu vệ sinh riêng. Với những con mới nhận về, chị huấn luyện hằng ngày. Căn nhà thường xuyên được lau dọn, đàn chó được tắm bằng nước nóng để không ảnh hưởng đến sức khỏe của chính chị và hàng xóm.
"Tôi nuôi chúng với cái tâm muốn cứu giúp, mong muốn chúng có cuộc sống tốt hơn. Đa số láng giềng, người quen đều ủng hộ nhưng cũng có một số người đàm tiếu bảo tôi khùng, dư tiền... ", chị nói.
Do căn nhà trên đường Lê Văn Việt khá cũ kỹ lại nhỏ trong khi đàn chó ngày một nhiều. Chị Mỹ có kế hoạch bán một số tài sản để về Bình Dương mua đất xây nhà mới.
"Tôi sẽ thiết kế hẳn một tầng dành riêng cho đàn thú cưng sinh sống", chị nhoẻn miệng cười.
Duy Trần