Mỗi ngày nhận từ 1.000-1.100 tấn rác thải sinh hoạt chưa được phân loại từ đầu nguồn, phòng thí nghiệm của xí nghiệp xử lý chất thải Bình Dương phải liên tục hoạt động, tìm kiếm giải pháp xử lý nước thải thích hợp. Người mang đến thành quả lớn nhất trong việc hoàn thiện công đoạn cuối cùng của xử lý rác thải (xử lý nước rỉ rác) chính là người phụ nữ hiện đại của thế hệ 8X (1986) - kỹ sư Cổ Kim Tuyến.
Sinh ra trong một gia đình làm nông, nhưng chị Tuyến luôn phấn đấu theo đuổi con đường học vấn. Cái duyên đã đưa chị đến ngành kỹ thuật môi trường của Đại học Bách Khoa TP HCM một cách rất khó lý giải. Theo lời của chị, cô giáo dạy Hóa thời cấp 3 rất nghiêm, nhìn cô lạnh lùng lắm, nhưng lại có phong cách dạy rất duyên. Những bài học thời đó hấp dẫn hơn vì những câu nói đùa vừa bất ngờ vừa nghiêm của cô.
Nhờ những bài giảng thú vị ấy mà chị lại rất yêu thích và học giỏi môn hóa nhất. Khi đó, chị trở thành một những học trò cưng của cô. Đến khi thi đại học, “Kỹ thuật môi trường” chính là ngành mà chị Tuyến thấy yêu thích nhất vì nó rất gần với sở thích của chị.
Kim Tuyến trong một lần học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. |
Trở thành kỹ sư năm 2009, nhưng những chặn đường dài Bình Dương - Sài Gòn của chị lại chính thức kết thúc vào năm 2013 với tấm bằng thạc sĩ trong tay. Đó thật sự là niềm hạnh phúc lớn lao của cả gia đình và quá trình tự nỗ lực của bản thân. Chị chia sẻ: "Nhà tôi làm nông nên ba mẹ không đưa ra định hướng nghề nghiệp, mà chỉ khuyến khích tôi chọn nghề theo sở thích và luôn tôn trọng quyết định của con cái. Sau này kết hôn, anh xã làm cùng ngành nên tôi cũng được anh ấy ủng hộ. Anh cũng luôn chủ động san sẻ việc nhà để tôi có thể nghỉ ngơi nhiều hơn khi tăng ca hoặc tham gia các khóa học, hội thảo".
Khác hẳn với nam giới, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học có ít thời gian hơn khi phải cân bằng giữa công việc và gia đình, đôi lúc sẽ lâm vào hoàn cảnh thiếu thời gian nghỉ ngơi và trau dồi thêm kiến thức mới… Thế nhưng chị Tuyến vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và luôn là người tiên phong đóng góp các giải pháp cải tiến kỹ thuật hiệu quả cho xí nghiệp. Hiện tại, chị Tuyến đứng đầu phòng thí nghiệm của Xí nghiệp Xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), được giao trọng trách nghiên cứu, vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác, đảm bảo nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh của xí nghiệp.
Theo chị Tuyến, xử lý bằng hóa chất đã có công thức sẵn nhưng khá tốn kém, vì vậy giải pháp đặt ra là phải nghiên cứu kết hợp giữa công nghệ xử lý vi sinh với xử lý hóa chất để hạ giá thành mà vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng nước sau xử lý. Đối với nước rỉ rác thì thành phần các chất ô nhiễm biến động liên tục theo mùa và theo độ tuổi của bãi chôn lấp, vì vậy cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước đầu vào và kết hợp với một số phương pháp xử lý sơ bộ. Hoạt động này nhằm phân giải một phần các chất ô nhiễm “cứng đầu” và ổn định chất lượng nước trước khi vào hệ thống xử lý, sau đó áp dụng phương pháp xử lý sinh học cải tiến, hoá lý và hoá học sẽ mang lại hiệu quả xử lý cao hơn.
Sự ủng hộ từ phía gia đình vẫn chưa đủ để thực hiện đam mê, chị còn cần có một đội ngũ cán bộ chuyên môn luôn yêu nghề và tâm huyết với công việc, dám dấn thân làm chủ công nghệ để đạt được mục tiêu đề ra. Ban đầu, khi đảm nhận công việc tại phòng thí nghiệm, chị Tuyến cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi lẽ chỉ có "vài bông hoa giữa một rừng cây xanh". Vì vậy, với chị, kết quả nghiên cứu chính là thước đo chính xác nhất năng lực của bản thân.
Qua vài dự án nghiên cứu đạt kết quả tốt, cuối cùng chị cũng được mọi người công nhận. Nhiều khi những dự án nghiên cứu mới cần được hỗ trợ thêm máy móc thiết bị, chị phải tự chứng minh khả năng thành công và thuyết phục ban lãnh đạo để được đầu tư trang thiết bị. Được ban lãnh đạo và đồng nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, chị Tuyến tự tin, chủ động hơn với nhiều đề tài nghiên cứu mới, cải tiến chất lượng của những quy trình xử lý nước thải. Bên cạnh đó, chị vẫn dành thời gian để tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức từ các hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo, học tập kinh nghiệm từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc…
Chị cùng với các chuyên gia nước ngoài trong một hội thảo khoa học. |
Vượt qua những định kiến về giới, vai trò và năng lực nghiên cứu của phụ nữ, kỹ sư Kim Tuyến đã chủ động đưa ra các giải pháp thiết thực nhất nhằm khắc phục những khó khăn của nhà máy với Ban giám đốc. Nhận được sự tín nhiệm từ ban lãnh đạo, kỹ sư Kim Tuyến đã hoàn thành xuất sắc công việc, những cải tiến kỹ thuật do chị đề xuất đã góp phần giúp công suất xử lý nước tăng lên 37% so với thời gian đầu, từ 300m3 trong ngày đêm năm 2011 đã tăng lên đạt đỉnh công suất 480m3 đến 500m3 trong ngày đêm; lượng điện xử lý giảm 18%; chi phí xử lý trên 1 m3 nước rỉ rác giảm 10%.
Bên cạnh đó, chị vẫn không quên đảm bảo công tác an toàn lao động. Chị còn cải tạo hồ xử lý sơ bộ thành bể điều hòa xử lý Amonia nhằm tiết kiệm chi phí nhân công, đáp ứng công suất của nhà máy xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 đi vào hoạt động ổn định.
Chưa hài lòng với thành quả ấy, chị Kim Tuyến vẫn không ngừng nghiên cứu và cải tiến giải pháp, đến năm 2014, chị và nhóm chuyên môn phòng thí nghiệm xí nghiệp xử lý chất thải đã phân lập được một số chủng vi sinh vật có hiệu quả cao trong xử lý nitơ bổ sung vào bể sinh học, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý nước rỉ rác. Nhờ đó chất lượng nước sau xử lý luôn đạt quy chuẩn xả thải, giảm một phần ba chi phí so với việc mua các chế phẩm sinh học trên thị trường, tiếp tục đưa ra những đề xuất quan trọng như cải tạo lại hồ xử lý sơ bộ thành bể điều hòa để nâng cao hiệu quả xử lý Amonia, giảm tần suất vệ sinh tháp Stripping để tiết kiệm chi phí nhân công…
Nói về những nghiên cứu vi sinh, chị Tuyến chia sẻ: "Đây không phải là chuyên ngành chính của tôi, kiến thức chủ yếu là do tự học nên thời gian đầu nghiên cứu, tôi rất nhiều lần bị thất bại. Sau đó, mình tham gia chủ động các hội thảo, khóa học, liên hệ với các thầy cô và đồng nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực này giúp đỡ, cuối cùng dự án của mình mới thành công". Và để đảm bảo quy trình vận hành theo đúng các chỉ số được đưa ra, chị Tuyến luôn là người sau cùng kiểm tra, ghi chép các thông số kỹ thuật trước khi kết thúc ngày làm việc.
Nghiên cứu khoa học là niềm đam mê của Kim Tuyến. |
Nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó đối với cả nam lẫn nữ, nhưng phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì vừa phải hoàn thành tốt việc ở cơ quan, mà còn phải giỏi việc gia đình. Chọn con đường đầy chông gai với một nghề gắn liền với nhiều chai lọ, ống nghiệm và hóa chất, thành quả mà chị Kim tuyến đạt được đã thật sự đang làm thay đổi dần những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Bằng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình chị Kim Tuyến đã góp phần nâng cao năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội, trở thành một trong những “Phụ nữ Việt nam tự tin tiến bước”, vượt qua những lĩnh vực thách thức phái nữ để theo đuổi đam mê và tỏa sáng.
Mai Thương
Từ nay đến ngày 20/12, bạn có thể chia sẻ câu chuyện về chân dung những phụ nữ tự tin, tiến bước ngoài xã hội và có những đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt cho phụ nữ qua bài viết dạng text kèm 2 tấm hình của nhân vật. Gửi file word và hình ảnh về địa chỉ email: giaithuongtutintienbuoc@gmail.com. Trong bài ghi rõ địa chỉ liên lạc của người viết và của nhân vật. Tác giả bài viết chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong bài.
Mỗi tuần, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Công ty P&G sẽ chọn ra một bài viết hay nhất để trao quà tặng là một năm sử dụng miễn phí sản phẩm Ariel.