Nhất Khóa Thụ nằm ở khu tự trị Ninh Hạ, sở dĩ có cái tên này vì cả làng chỉ có đúng một cây xanh. Năm 27 tuổi, Bai Chunlan, ở vùng Ngô Trung, cùng chồng con kéo đồ đạc trên một tấm ván đến định cư ở làng Nhất Khóa Thụ, cách quê mình 8 km. Cùng thời điểm đó, cái cây duy nhất chết khô, chính thức biến nơi đây thành sa mạc.
"Không biết từ khi nào mà làng này tên là Nhất Khóa Thụ. Vài chục năm trước khi mới chuyển tới đây, không có màu xanh, chỉ có màu vàng vô tận của sa mạc", Bai Chunlan, hiện 67 tuổi nói.
Người đến, người đi, chỉ còn khoảng chục gia đình vẫn cố gắng bám trụ, quyết tâm chống lại quá trình sa mạc hóa. Bai Chunlan mỗi ngày đi 16 km để trồng cây. Chồng bà thức đêm để chăm sóc cây. Họ đào sâu xuống cát để lấy nước và chỉ có bánh ngô làm thức ăn.
"Chúng tôi đều là những con người ngớ ngẩn. Ngày đó tôi trồng cây ban ngày, ban đêm về chăm con. Còn chồng tôi thì xây tường đất chống gió và cát để bảo vệ cây con, ngủ luôn trên sa mạc. Anh ấy thậm chí còn ngốc hơn tôi", bà nhớ lại.
Họ gieo gì trên đất cũng không phát triển. Nghe theo lời kêu gọi của cán bộ, chỉ có trồng rừng mới giải quyết được nạn đói, vợ chồng Bai Chunlan vẫn kiên trì năm này qua năm khác. Dần dần họ trồng được 100.000 cây.
Một lần bà mãi mê trồng cây mà không hay biết con gái mình bị gió cuốn đi. Khi tìm thấy, con gái bà bất tỉnh. May mắn em không sao, nhưng đến giờ mỗi khi nhớ lại bà vẫn áy náy với con.
Năm 1984, bà và dân làng trồng thành công 6.000 m2 lúa mì, chỉ thu được 4 bao tải. Nhưng như vậy họ đã hạnh phúc và thêm tin tưởng sẽ có một ngày đủ ăn.
Chỉ học hết cấp một, nhưng sau 40 năm, bà Bai đã trở thành một "chuyên gia nông nghiệp lão luyện. Vào đầu xuân năm 1984, Bai được chính quyền tặng cho một số hạt giống nho. Dù chăm bẵm cẩn thận, cây vẫn chết. Sau đó, bà đi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cùng họ nghiên cứu, sau này trồng lại, tỷ lệ trồng cây sống được trên 70%.
Sau nhiều năm nghiên cứu, Bai Chunlan phát minh ra phương pháp kiểm soát 3 vòng, trồng cỏ để giữ đất, liễu để trị sa mạc. Ở vành đai sa mạc thì đào giếng chứa nước.
Đến năm 2005, bà đưa Nhất Khóa Thụ vào khai thác du lịch. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, giờ có thêm hình thức du lịch mới lạ, vùng quê này nhanh chóng trở nên khấm khá.
Năm nay đã gần 70 tuổi, bà Bai vẫn khỏe mạnh và đi trồng cây mỗi ngày. "Khi tôi đến đây, cái cây huyền thoại của làng chết khô. Vợ chồng tôi trồng một cây nhỏ trước nhà. Bạn thấy đấy, giờ nó cao lớn đến mức hai người ôm mới xuể", bà Bai chia sẻ.
Chồng của bà Bai mất năm 47 tuổi vì xơ gan và không thể nhìn thấy cảnh tượng trước mắt. Nhưng bà Bai vẫn tiếp tục kiên trì với sứ mệnh phủ xanh vùng đất sa mạc. "Trồng rừng chính là khởi nguồn hạnh phúc trong tôi. Tôi đã tìm được công việc mình yêu thích và mãn nguyện với sự nghiệp của mình", bà nói.
Bảo Nhiên (Theo People)