Lần đầu gặp chị Phương Loan, 41 tuổi, ở TP HCM với dáng người mũm mĩm, tóc tém màu bạch kim, nụ cười thường trực trên môi, khó ai biết được chị bị ung thư vú, ung thư tuyến giáp suốt 10 năm qua. Hiện cả hai căn bệnh đang ở giai đoạn hai, với yêu cầu theo dõi di căn, tiếp tục dùng thuốc nội tiết và kiểm tra định kỳ 3-6 tháng một lần.
Còn sức là còn đi
Hầu như cuối tuần nào, chị Loan cũng đi phượt, đôi khi là cùng chồng, những người bạn thân thiết hoặc đơn giản là một mình. Chị thường lái xe tới những điểm đến gần thành phố như Cần Giờ, Củ Chi hay 13 tỉnh miền Tây. Với những điểm đến xa hơn trong khu vực chị đi xe khách. Các tỉnh miền Trung, miền Bắc có thể đi bằng máy bay, rồi thuê xe máy đi.
Chị chia sẻ các chuyến đi đều bộc phát, thích là lên đường chứ không tính toán kỹ càng. Tới nay chị đã đi qua 54 tỉnh thành, chinh phục ba cực Việt Nam và nhiều đường biên giới. 10 năm bị bệnh, các chuyến đi chị thực hiện nhiều gấp chục lần thời còn khỏe mạnh. "Cứ đi là mình thấy sảng khoái, chứ ở nhà thì thấy ốm bệnh lắm. Trước đó mình đã mê xê dịch nhưng bệnh tật lại là ngòi nổ để mình thực hiện càng nhiều chuyến đi hơn", chị Loan cười nói.
Chị phát hiện bị ung thư vú năm 2012, khi cuộc sống tuổi 32 đang viên mãn với công việc thu nhập tốt và những chuyến đi khắp mọi miền đất nước và cả ra nước ngoài. Mọi ước mơ, hoài bão về sự nghiệp bỗng tan thành hư không, chị tự nhốt mình trong phòng khóc hai ngày đêm. Nhưng không để cha mẹ đau lòng, chị quyết vực lại tinh thần, xin nghỉ việc để chiến đấu với ung thư.
Những ngày đầu điều trị, chị thấy như vào "địa ngục" vì hóa trị làm tóc rụng, miệng lở, móng chân và móng tay thâm đen. Đau đớn nhất là khi làm phẫu thuật nhũ nạo hạch, sau đó dùng nửa vùng da lưng để tái tạo phần ngực sau mổ. Nhờ đáp ứng thuốc và tinh thần lạc quan, sức khỏe chị ngày càng tiến triển tốt, tóc cũng mọc dài và dày hơn gấp đôi.
Chị trở lại với công việc những chuyến đi, rồi gặp gỡ và kết hôn với chồng mình là anh Nguyễn Thành Nhân, người bạn đồng hành mỗi chuyến đi sau này. Nhưng 2019, chị phát hiện thêm căn bệnh ung thư tuyến giáp. "Mình giận lắm vì số phận thử thách mình nhưng giờ đã không còn bi quan nữa, ung thư đến thì lại tiếp tục chiến đấu thôi", chị cười nói.
Những hành trình để đời
Năm 2015, sau hai năm nghỉ ngơi từ cuộc phẫu thuật ung thư vú, chị Loan có chuyến leo Pha Luông, Sơn La. Chị chia sẻ trước đây học chuyên Văn, từng được biết đến đỉnh Pha Luông qua bài thơ Tây Tiến và luôn nung nấu một lần khám phá qua những chia sẻ của bạn phượt. "Phần khác từ khi phát bệnh, mình cũng không đoán trước được sẽ sống được 5 tháng, 5 năm hay 50 năm nữa nên cần tranh thủ thời gian, còn sức là còn đi khám phá hết cảnh đẹp đất nước", chị nói.
Không phải người đam mê và có nhiều kinh nghiệm leo núi, chuyến đi Pha Luông với chị rất gian nan. Mang một đôi giày thể thao bình thường, đeo ba lô cao quá đầu, chị được một người đồng nghiệp, anh kết nghĩa ở Sơn La dẫn đường. Leo vào tháng 9, sau những cơn mưa đất còn ẩm ướt, quãng đường chạy xe vào đồn biên phòng Pha Luông cũng khiến chị nhiều lần thót tim vì khúc cua ngoằn ngoèo, bên cạnh vực dựng đứng.
Đường đi Pha Luông phải băng rừng và dò dẫm gạt cây cối tìm lối đi. Nhiều đoạn dốc đứng, trơn trượt, chị cố bám víu lấy những tấm gỗ mà người dân lót đường để leo lên. Năm lần bảy lượt trong đầu chị nghĩ đến bỏ cuộc hay nằm lại trên ngọn núi. Lúc này cô càng thấm thía hơn câu thơ "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm" tả về Pha Luông.
"Với người bình thường leo núi đã khó, với bệnh nhân như cô mà lên đến đỉnh thế này thì cô hơn hàng triệu người phụ nữ khác rồi", người anh khi ấy động viên. Điều này càng tiếp sức cho chị Loan chinh phục đỉnh cao gần 2.000 m và chiến thắng chính bản thân.
"Khi lên tới nơi, nhìn núi đồi hùng vĩ phía xa, mọi mệt mỏi, đau đớn tan biến thành khói mây hết", chị hồi tưởng. Là người yêu thích tạo dáng chụp ảnh nhưng chuyến đi ấy chị chỉ biết nhờ mọi người chụp miễn sao là có ảnh. Nên tới nay mỗi lần nhìn lại hình ảnh chụp sau lưng, dò dẫm trên đường chị đều cười lớn.
Trong những tỉnh, thành đi qua, chị Loan ấn tượng nhất với vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là Hà Giang hay Mù Cang Chải, Yên Bái. Cũng vì thế năm 2016 chị tiếp tục đi đồi mâm xôi La Pán Tẩn ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Vốn là người miền nam, quãng đường vượt đèo Khau Phạ với sương mù dày đặc, tầm nhìn chỉ 5-10 m khiến chị không khỏi run tay.
Đường trèo lên đồi mâm xôi trơn tuột vì mưa lớn, người dân phải cuốn 2-3 vòng xích sắt qua bánh xe để không trượt. Nhìn lại mình đi đôi dép xỏ ngón, đeo ba lô to, chị không thể ngừng trách mình đã quá thiếu chuẩn bị. Đường xuống đầy sỏi đá không thể bỏ dép mà đi dép thì trươn tuồn tuột, chị Loan vừa dò dẫm vừa khóc. Sau đó chị được một người dân đèo bằng xe máy xuống núi, ngồi yên sau chị gồng cứng hai tay dù đang đau buốt để giữ mình không trôi xuống. "Xuống tới nơi mới biết mình sống rồi. Chuyến đi nhớ đời nhưng sẽ là kỷ niệm đẹp nhất mình có trong đời", chị Loan nói.
Về chồng chị, dù không phải người thích đi phượt nhưng chỉ cần vợ muốn đi đâu anh sẽ chở đến đó. Họ quan niệm nếu có điều kiện kinh tế cũng dành để trị bệnh và đi du lịch, chứ không cần nhà đẹp, xe sang. Anh Nhân chia sẻ sự mạnh mẽ, năng lượng tích cực mà chị Loan truyền đến cho mọi người khiến anh yêu và muốn chăm sóc. "Chỉ cần sau mỗi chuyến đi cô ấy thấy khỏe hơn, hạnh phúc hơn thì tôi luôn ở bên đồng hành. Chỉ cần bên nhau vui sống, mỗi ngày đều ý nghĩa", anh cười nói.
Hai năm Covid-19, nhiều chuyến đi của chị Loan và chồng phải hoãn lại để đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch. Mục tiêu sắp tới của chị còn là một trang sách dài. Chị mong mình có sức khỏe để khám phá nốt 9 tỉnh thành của Việt Nam, cực Tây A Pa Chải ở Điện Biên, tất cả cửa khẩu Việt Nam - Campuchia. Hay đơn giản hơn, chị sẽ được cùng chồng đón mùa đông ở Hà Nội, thành phố chị yêu thích nhất hồi con gái vì vẻ cổ kính, lãng mạn. Ở đây họ sẽ thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi chồng cô ước nguyện được đến một lần.
Lan Hương