Tình trạng viêm thường kéo dài vài tuần vừa ảnh hưởng tình cảm vừa bất tiện trong sinh hoạt. Lâu dần, chị sợ không dám đến gần chồng, luôn cảm thấy stress và căng thẳng. Chị còn bị dị ứng với băng vệ sinh, khi dùng thường đau và sưng vùng kín.
Ngày 15/6, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết người có cơ địa dị ứng rất dễ bị dị ứng với nhiều tác nhân khác nhau. Trường hợp này, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị ứng tinh trùng.
Tinh dịch chứa nhiều thành phần gồm tinh trùng, các protein, enzyme. Khi tiếp xúc niêm mạc bộ phận sinh dục nữ, các thành phần trong tinh dịch có thể trở thành một dị nguyên gây dị ứng ở một số phụ nữ có cơ địa dị ứng.
Dị ứng tinh trùng có thể gây ra các phản ứng tại chỗ sau vài phút hoặc vài giờ kể từ khi tiếp xúc. Triệu chứng như phát ban đỏ, ngứa ở bên trong ống âm đạo, bên ngoài môi âm hộ hoặc xung quanh hậu môn. Nhiều trường hợp nổi mề đay, sưng mặt, phù nề cánh tay hoặc chân hoặc nổi mẩn đỏ. Nặng hơn, người bệnh xuất hiện các phản ứng toàn thân, thậm chí là sốc phản vệ.
Với người mắc chứng bệnh này, tinh trùng có thể bị kháng thể của người phụ nữ ức chế, ngưng tụ hoặc bất hoạt, không thể di chuyển vào trong tử cung để thực hiện chức năng thụ tinh. "Kể cả cố gắng quan hệ không dùng bao cao su, chị em vẫn có nguy cơ vô sinh hiếm muộn", bác sĩ nói.
Trong trường hợp này, hai vợ chồng vẫn có thể quan hệ và dùng bao cao su để giảm cảm giác khó chịu. Song, nếu muốn có con, người chồng cần can thiệp bằng phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung (IUI). Nhờ đó, tinh trùng của người chồng được lọc rửa và bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung thay vì quan hệ tự nhiên.
Bác sĩ khuyến cáo chị em khi xuất hiện dấu hiệu bất thường sau khi quan hệ như lưỡi hoặc cổ họng bị sưng, mẩn ngứa và rát ở vùng kín, phát ban trên da, buồn nôn, thở khò khè, chóng mặt, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị sớm, tránh nguy cơ vô sinh.
Minh An