Ngày đầu tiên của tháng 12/2021, bà Bích Vân, 58 tuổi, bay ra Hà Nội, còn "người bạn đồng hành" là chiếc xe máy PCX được gửi ra trước. Không ở lại Hà Nội do lo ngại dịch bệnh, bà Vân đi xe khách thẳng tới Sa Pa (Lào Cai), sau đó tự lái xe máy. Trước đó qua hội nhóm leo núi trên Facebook, bà có thêm một người bạn đồng hành từ Quy Nhơn. Hai người hẹn gặp nhau ở Sa Pa để cùng leo một số đỉnh núi.
Bà Vân chia sẻ trước đây không đam mê leo núi, song là người yêu phượt, du lịch và khám phá vẻ đẹp đất nước nên tự đặt những thử thách cho riêng mình. Lần này bà đặt mục tiêu đón bình minh trên đỉnh Fansipan, leo 4 cung núi Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San, Bạch Mộc Lương Tử (Kỳ Quan San) và Lảo Thẩn của Lào Cai. Trước đó vào tháng 8/2021, bà đã leo thành công Tà Chì Nhù, Lùng Cúng, Tà Xùa của tỉnh Yên Bái và Chiêu Lầu Thi (Hà Giang).
10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam hút giới xê dịch
Bà Vân lựa chọn thời điểm cuối năm để leo núi vì muốn trải nghiệm mùa đông miền Bắc, đồng thời nơi bà sống và Sa Pa là vùng xanh, vàng nên có thể yên tâm khám phá. Trong dịp này, bà cũng đặt mục tiêu chinh phục những điểm đã bỏ lỡ trong chuyến đi trước vì Covid-19 như cực tây ở A Pa Chải, tỉnh Điện Biên và một trong "tứ đại đỉnh đèo" Pha Đin. Ngoài Fansipan bà lên bằng cáp treo và ngủ lại một đêm, các đỉnh núi khác bà đều tự leo. Trước khi đi, bà chuẩn bị nhiều bộ kit test nhanh nCoV, nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang để đảm bảo an toàn.
Ngày 3/12/2021 khi khu du lịch cáp treo Fansipan mở cửa trở lại, bà Vân đăng ký trước với ban quản lý được ngủ đêm trên đỉnh núi để đón bình minh. Lên chuyến cáp cuối cùng trong ngày, bà kịp ngắm khung cảnh hoàng hôn kỳ vĩ trên "Nóc nhà Đông Dương". Dù ngủ trong quán cà phê gần cáp treo, mang theo túi ngủ, áo ấm nhưng ban đêm nền nhiệt trên đỉnh núi cao xuống âm 4 độ vẫn khiến bà run từng chặp. Bà chia sẻ đã có một giấc ngủ đêm chập chờn, phần vì tay chân đã đông cứng, hạ thân nhiệt, phần khác vì quá háo hức mong đến sáng sớm. Khi trời còn tối đen, những bậc thang còn phủ lớp sương muối mỏng, bà Vân đã kịp leo tới đỉnh Fansipan, phất cờ đón khoảng khắc mặt trời ló dạng, tạo thành vầng sáng đỏ nơi đường chân trời mờ sương.
Sau khi xuống núi, bà Vân thăm Sa Pa khi ấy có vườn mai anh đào nở rộ, rồi cùng bạn đồng hành lái xe đến bản Suối Thầu 2 để chinh phục Ngũ Chỉ Sơn (7/12). Đỉnh tiếp theo là Bạch Mộc Lương Tử (16/12). Từ đây, họ chia hai cung đường khác nhau, bà Vân tiếp tục leo Lảo Thẩn (21/12) và Nhìu Cồ San (24/12).
Trên quãng đường di chuyển, bà Vân luôn tự cầm lái vì cho hay chiếc xe máy tay ga của mình đầu rất nặng, ai không quen dễ ngã ở đường núi. Đường đi bà thường xem bằng bản đồ của Google, song nhiều nơi không có sóng hay đường quá nhỏ, vào bản làng thì đều phải hỏi thăm người dân. Ở Lào Cai có nhiều người dân tộc sinh sống nên không dễ để giao tiếp bằng tiếng Kinh, bà Vân phải in ảnh thật to sau đó đưa ra để họ hiểu và chỉ đường.
Trước khi leo núi, bà Vân thường xem dự báo thời tiết để chọn những ngày nắng ấm áp, trời quang. Ngày thời tiết không đẹp, bà dành để lái xe khám phá khung cảnh xung quanh như 2 cây du già ở thôn Choản Thèn, cầu Thiên Sinh hay còn gọi là cột mốc số 87 (Y Tý, Bát Xát). Ngoài ra bà cũng có dịp được tới các bản làng, khám phá tập tục sinh hoạt của người địa phương.
Trong 4 ngọn núi leo lần này, Lảo Thẩn là "dễ thở" nhất với bà, còn lại đều rất khó đi và tốn nhiều sức lực. Ngũ Chỉ Sơn là đỉnh núi cao thứ 15 của Việt Nam song về độ khó hàng đầu. Từ xa du khách có thể thấy 5 đỉnh núi sừng sững như một bàn tay vươn thẳng lên bầu trời.
Bà Vân cùng porter xuất phát lúc 8h sáng, khi trời quang sương và đường đi bớt trơn trượt. Từ chân núi lên tới lán trại mất khoảng 6 tiếng, trong đó đi qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng thưa, rừng già, rừng cây gỗ lớn và dốc cao liên tục khi gần lên tới lán nằm ở một vách núi. Bà Vân chia sẻ ở đây còn hoang sơ, không có điểm cắm trại dọc đường nên chỉ có thể cố gắng leo tới lán nghỉ. Nước suối cách đó khoảng 2 km đường nên những porter rất vất vả để cõng lên cho du khách.
Họ nghỉ ở lán một đêm và 4h sáng xuất phát leo tiếp tới đỉnh để đón bình minh. Đoạn đường lúc này toàn đá và dốc đứng, gió thổi hun hút, càng dễ khiến người ta sợ sệt và muốn bỏ cuộc. Khi lên tới đỉnh núi khoảng 6h30 sáng, tất cả nỗ lực của bà Vân đều được đền đáp bằng khung cảnh bình minh mờ ảo. Vì trên đỉnh không có cây cao nên có thể phóng mắt nhìn ra xa, phía dưới là biển mây bồng bềnh.
Lần bà leo đỉnh cao nhất Bạch Mộc Lương Tử (3.046 m) là khi vừa tạnh mưa, đường đi nhiều bùn sình, lầy lội nên phải đi ủng. Cung đường leo núi dài khoảng 12 km bắt đầu từ xã Sàng Ma Sáo đến lán nghỉ. Vượt qua suối trơn trượt vì rêu, rừng nguyên sinh, bà đến với dốc Núi Muối, đây cũng là nơi người dân dựng lán nghỉ qua đêm. Từ đây tới cột mốc Kỳ Quan San còn khoảng 6 km, là thách thức ngay cả với những người trẻ tuổi.
Sáng sớm hôm sau, bà Vân đối mặt với thử thách qua sống lưng khủng long. Ở đây có địa hình hiểm trở với 2 bên là vách núi và phải đi men theo những phiên đá nhỏ, có đoạn cao và dốc đứng. Sau quãng đường dài ngày hôm trước, lúc này các khớp gối của bà đã rất đau nhức nên không còn đi được mà phải bò, lết nhiều đoạn. Sau khi lên được tới đỉnh Kỳ Quan San thì quãng đường về vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều bạn trẻ đi cùng lúc đó đã thấm mệt nên phải cõng và dìu về nhưng bà Vân biết mình còn sức bền nên cố gắng tự đi. "Tôi tự thấy mình mập và to con nên không dám nhờ ai cõng đâu, cứ chầm chầm và đi bền thì tôi sẽ tự chinh phục được thoo", bà cười và nói.
Hành trình leo đỉnh Nhìu Cồ San với bà là "nhớ đời nhất". Vì lịch trình leo đỉnh này đã trì hoãn lâu, nên dù biết trời có mưa nhỏ bà vẫn buộc phải leo. Đây cũng là ngày miền Bắc đón đợt không khí lạnh tăng cường. Ban đầu chỉ có mưa nhỏ và sương mù mịt nên bà cùng porter vẫn quyết định leo trong sáng, đi cung thác ong chúa để ngắm cảnh. Khi đi giữa đường thì họ bắt đầu nghe tiếng mưa nặng hạt, rồi rầm rầm mưa đá nhưng may mắn có gờ đá để đứng trú mưa.
Sau nửa tiếng mưa tạnh họ đi tiếp, song lúc này đá vẫn còn đọng trên cỏ cây, dưới đất, tạo thành một vùng không khí lạnh buốt. Bà Vân cảm nhận rõ nửa người trên của mình tê cứng, tay không thể cử động và môi bắt đầu sưng tấy. Đường đi lúc này nhỏ hẹp, trơn như trượt băng và nhiều có nhiều vách đá nên bà phải đi từng bước dò dẫm. Bà chia sẻ vì đây là ngọn núi cuối cùng nên không muốn có sự cố gì, đặc biệt vì đã lớn tuổi nên chỉ cần trượt ngã là bong gân hoặc ảnh hưởng tới xương khớp.
Lên được tới đỉnh núi thì bà Vân gặp đoàn 40 người đi trước, có vẻ họ gặp mưa đá nên rất mệt mỏi, dìu nhau xuống núi. Ở đây porter đốt một đống lửa để bà hơ tay chân giữ ấm, sau đó ăn trứng luộc, cơm lam ruốc đã chuẩn bị sẵn trước khi lên đường. Sau khi chụp ảnh, bà Vân xuống núi theo đường trại dê và tới lán nghỉ thì gặp trận mưa đá thứ hai, sau đó là mưa lớn kéo dài cả tiếng. Dù trời vẫn còn mưa, bà vẫn phải nhanh chóng xuống núi trước khi tối nên mặc 2 áo mưa, đeo đôi găng tay hơ ấm trước đó, cùng găng tay làm bếp của người địa phương để trở về. Trên đường, họ thấy những cây phong lá đỏ rải rác bên đường. Bà Vân có chút tiếc nuối vì không được thấy bầu trời trong ráng chiều hoàng hôn vì khi ấy còn nhiều sương mù do vừa mưa.
Nghỉ ngơi vài ngày sau khi leo núi, bà Vân tiếp tục độc hành tới Lai Châu, Mộc Châu (Sơn La) rồi Điện Biên. Ở đây ngoài cực tây A Pa Chải, bà không quên thăm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ. Sau đó bà lái xe theo đường Đông Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh về thẳng Gia Lai. Trước đây bà Vân từng nhiều lần đi phượt, trong đó có hai chuyến xuyên Việt bằng xe máy. Vì vậy chuyến đi lần này chỉ tập trung vào leo núi chứ không tới điểm tham quan hay nơi đông người.
Bà Vân chia sẻ để chinh phục những đỉnh núi cao thì cần tập thể thao thường xuyên. Vì ở Tây Nguyên nên trước khi ra miền Bắc vào mùa đông, bà phải tự rèn luyện bằng vài lần tắm mưa. Nhận mình là người khá gan lì, bà Vân không sợ hãi khi đi phượt một mình, dù vậy vẫn luôn chú ý việc đi lại và ăn uống để đảm bảo an toàn. Bà biết rằng chồng và các con luôn lo lắng cho an toàn của mình, song vẫn ủng hộ bà thực hiện đam mê. Bà cho biết sắp tới trong tháng 3 sẽ leo các ngọn núi phía Bắc trong mùa hoa đỗ quyên nở và tiếp tục đi phượt khám phá khi còn sức khỏe và thời gian.
Lan Hương