Người phụ nữ ấy tên là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1957 ở xóm Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi tìm đến nhà bà vào một ngày cuối thu, cái rét se lạnh như xích con người lại gần với nhau hơn. Bà ra mở cổng, tay bắt mặt mừng, giọng nói sang sảng niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà nhỏ nằm bên quốc lộ 7, hàng ngày luôn đầy ắp tiếng cười nói của bà con trong xóm, cho đến ngoài xã đến hỏi thăm. Rót bát nước chè xanh còn nóng hổi, bà Sáu chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông, đông anh chị em, tôi là con út. Đất nước chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh chị đều lên đường nhập ngũ, cha mẹ già yếu nên tôi phải ở nhà chăm lo nhà cửa, vườn tược".
Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, trong lúc bệnh viện huyện lại đang cần người, bà Sáu đã làm đơn xin vào làm. Bà chia sẻ cái duyên lần đầu đến với nghề: “Là con nhà nông nên tôi rất chịu khó, lúc vào, tôi làm công tác đội (có nghĩa làm tất tần tật mọi việc). Đặc biệt, tôi “kiêm” luôn việc đưa đưa người chết ra nhà xác. Thời gian đầu tiếp xúc với người chết là nôn thốc nôn tháo, về bỏ cơm cả tuần. Sau cũng thành quen, có lúc 1h-2h sáng, tôi đưa người chết đi ra nhà xác mà không thấy sợ nữa".
Bà kể rằng một hôm trời mưa dầm, giá rét, khi mọi người đã đi làm về hết, bà bắt gặp một cháu bé gầy gò, yếu ớt đang ngồi khóc ở hành lang bệnh viện. Sau đó, bà tiến lại gần hỏi thăm cháu thì mới biết cha cháu bé vừa qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Biết hoàn cảnh neo đơn, nghèo đói, bà đã bỏ tiền ra mua hòm vỏ khâm liệm cho người cha tội nghiệp của cháu. Lúc đó bà mới 17 tuổi, nhưng và vẫn không hiểu tại sao khi đó trái tim lại đầy bản lĩnh như thế.
Có những trường hợp người ta bị tai nạn giao thông và được người đi đường đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng một phần cơ thể không còn nguyên vẹn và qua đời. Trong khi chưa tìm cách liên hệ được với người thân, bà Sáu không một chút chần chừ, e ngại, tiến hành tắm rửa rồi đưa thi thể ra “ngôi nhà buồn” làm thủ tục khâm liệm. Bà Sáu tâm sự: “Gặp những trường hợp đó, tôi rất bình tĩnh, nghĩ số mệnh của họ chỉ đến đó mà thôi. Chết có nghĩa là hết, không sợ gì cả, người chết cũng phải được lo tươm tất để linh hồn mới được siêu thoát. Tôi làm công việc này là bằng cái tâm, không vì một mục đích gì cả”.
Dù trời mưa hay nắng, cứ nhận được thông tin là bà Sáu lập tức mặc trang phục bệnh viện, mang gang tay, khẩu trang và đẩy chiếc xe quen thuộc (xe chở xác) đến phòng có bệnh nhân vừa qua đời. Mọi thao tác được bà Sáu làm rất nhanh gọn, sau đó đưa ra nhà xác để khỏi ảnh hưởng mọi người xung quanh.
Lúc đầu mọi người cho bà Sáu là người có vấn đền tâm lý, con gái đang ở tuổi đẹp nhất lại lao đầu vào làm một việc khác người. Bỏ qua tất cả lời dèm pha, bà Sáu càng trở nên yêu nghề hơn. Cũng chính từ đó, nhiều người biết đến, coi bà là ân nhân. Ngồi tâm sự với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề, bà tìm những kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian gần 30 năm gắn bó với nghề khâm liệm. Bà Sáu bảo cái nghề này vốn dành cho cánh đàn ông, có sức khỏe, thần kinh vững vàng nhưng với tinh thần thép, trái tim sắt đá, không vướng víu chuyện chồng con cho nên bà Sáu coi việc đó rất giản đơn.
Bà Sáu còn được nhiều người biết đến là “kho máu” cho nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh “thập tử nhất sinh”. Bà Sáu tâm sự: “Cho máu cứu người là niềm đam mê của tôi, không nghĩ đến chuyện ơn nghĩa. Nếu tôi còn khỏe thì lúc nào có người cần máu là sẵn sàng ngay, coi như giọt máu của tôi đã cho họ thêm một cơ hội sống”. Điều đáng khâm phục ở bà là khi ở nhà hay ở cơ quan, bất cứ đêm hay ngày, hễ có người gọi cứu giúp, bà đến ngay.
Trường hợp chị Đào (ở xã Lý Thành) là ca sinh khó buộc phải mổ gấp mới bảo đảm an toàn tính mạng cho mẹ và con. Khi nghe bác sĩ thông báo, cô gái trẻ lần đầu sinh con không ít lo sợ. Lúc đó, bệnh viện không còn nhóm máu tương thích với chị. Chị thuộc nhóm máu B, đây là một nhóm máu khá hiếm. Nhưng thật may mắn, lúc đó bà Sáu đã có nhóm máu tương thích (nhóm máu O). Khi đó, gia đình đã tìm gặp bà Sáu để đặt vấn đề xin được trợ giúp máu, bà đã không đắn đo suy nghĩ sẵn sàng nhận lời. Ca mổ thành công tốt đẹp trong niềm vui khôn xiết “mẹ tròn con vuông”.
Bà Sáu say mê công việc, lo toan việc gia đình đến lúc nhìn lại thì tuổi đã xế chiều. Bạn bè đồng lứa đã yên bề gia thất, bà cũng được mai mối cho một số người đàn ông nhưng vẫn không thấy hợp. “Đến với nhau cũng phải có duyên, chắc mình số cao nên không thành. Ông trời chắc sắp đặt cho mình cả rồi, thôi thì đành chấp nhận sống độc thân. Mà cũng ở vậy cũng thấy thoải mái tự do, không ai bắt nạt ai cả", bà vui vẻ nói.
Về nghỉ hưu, thỉnh thoảng bà Sáu lên cơ quan thăm lại đồng nghiệp và sẵn sàng cho máu nếu ai cần. Thời gian còn lại bà Sáu chăn nuôi gà, trồng rau để đảm bảo nhu cầu cho bữa ăn.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. |
Lê Đình Tập