"Ông Trump là một kẻ điên rồ. Làm sao ông ta lại là tổng thống được chứ? Tôi vẫn không hiểu nổi", Haaretz dẫn lời Mousa, 42 tuổi, một người Palestine ở Đông Jerusalem nói. Anh đang làm việc tại một cửa hàng điện thoại đối diện Cổng Damascus, lối vào chính của khu Hồi giáo, thuộc khu Phố cổ của Jerusalem. "Đây là một vùng đất thánh với tất cả người Hồi giáo, không riêng gì người Palestine. Chúng tôi ở đây. Chúng tôi sống tại đây và chết cũng tại đây".
Khi anh nói, đám đông những người biểu tình kéo đến gần đó, dọc các bậc thang dẫn xuống cổng và con đường bao quanh nó. Thi thoảng, họ đụng độ với lực lượng chống bạo động của Israel. Lực lượng an ninh Israel cưỡi ngựa đã đẩy lùi một số người biểu tình, vài lần phi ngựa tới ngay cạnh cửa hàng Mousa làm việc.
Các vụ xô xát đã biến thành bạo lực cách đó vài km ở Ramallah và các khu khác ở bờ Tây. Khoảng 60% người biểu tình bị thương, một người bị bắn chết.
Sự giận dữ trong các cuộc đối thoại và ẩu đả giữa lực lượng an ninh Israel và người biểu tình Arab trên các đường phố và ngõ ngách ở Đông Jerusalem không phải là lạ, sau 50 năm bị Israel chiếm đóng. Tuy nhiên, với người Palestine ở đây, Trump giờ là mục tiêu mới cho sự căm hận.
Trước khi ông Trump tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6/12, phá vỡ chính sách hàng thập kỷ qua của Mỹ về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của cuộc xung đột Israel - Palestine, tổng thống Mỹ vẫn là một điều gì đó khá xa lạ.
Thậm chí một số quan chức lãnh đạo Palestine còn nuôi hy vọng rằng Trump sẽ thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình. Nhưng chút cảm tình đó đã tan biến trong những ngày gần đây.
Vừa ép cam và lựu để phục vụ khách du lịch ở quán ăn của mình, ông Hani vừa buông lời chửi mắng ông Trump.
"Ông ta là ai? Vì ông ta là tổng thống Mỹ mà ông ta nghĩ mình có thể kiểm soát và quyết định mọi thứ cho người khác sao? Ông ta chẳng biết gì, ông ta hiểu gì về Jerusalem? Ông ta chẳng biết gì về thành phố này cả. Ông ta là một kẻ ăn theo, không phải một lãnh đạo", ông Hani nói. "Ông ta chỉ nên quan tâm đến các vấn đề của Mỹ mà thôi".
Người đàn ông 57 tuổi từng có 12 năm sống ở bang California, Mỹ, cho đến khi vụ khủng bố ngày 11/9/2001 xảy ra. Ông sau đó không thể gia hạn được thị thực và đoán rằng nguyên nhân là vì mình là người Palestine.
Sau buổi cầu nguyện hôm 8/12, đường phố và các ngõ ngách của khu Hồi giáo ngập tràn những tín đồ đổ ra từ Thánh đường Al-Aqsa nằm ở vùng đất căng thẳng nhất của khu vực này.
Ông Hussein Abed, 48 tuổi, là một trong số những tín đồ trên. Ông từ ngôi nhà ở vùng lân cận Đông Jerusalem đến đây cầu nguyện hàng tuần. Với ông, tuyên bố của Tổng thống Trump chỉ củng cố thêm những định kiến bấy lâu trong mình về nhà lãnh đạo nước Mỹ.
"Với mọi người, Trump rất xấu xa. Ông ấy xấu xa với nước Mỹ, với những người như chúng tôi ở đây và với toàn thế giới", Abed nói trước khi về nhà.
Anh Ngọc