Không thể có cách nào ra trung tâm y tế xã, bố của Sút đành đỡ đẻ cho vợ tại nhà như ông đã làm với hai đứa con đầu.
Em Sút sinh non, hai ngày sau qua đời. Mẹ cậu bị mất máu nhiều sau sinh, cộng thêm một số bệnh khác, nên ngày càng yếu. Ngặt nỗi trong nhà những ngày ấy đến gạo cũng hết. Bố con Sút chỉ dám nấu cháo cho mẹ. Một tuần sau, mẹ Sút mới được đưa lên bệnh viện thành phố Đông Hà khi cây cầu tạm được dựng lên.
Lúc đưa mẹ đi viện, gia đình Sút chỉ vét được hơn 500 nghìn đồng. Họ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Lúa nương nhà Sút bị mất sạch, sắn nằm đó không ai mua. Hơn nửa tháng qua gia đình sống nhờ đồ cứu trợ.
Mưa bão kéo dài từ cuối tháng 9 tới nay ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của đồng bào Pa Cô và Vân Kiều ở hai xã A Bung và A Ngo của huyện Đkrông. Theo ông Lê Quang Thạch, chủ tịch xã A Bung, bão số 5, 8, 9 và trận lũ kéo dài từ 7 đến 15/10 đã phá hủy hầu hết hoa màu của bà con. Lũ quét làm hư hại nhiều tuyến đường, khiến bốn thôn bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài trong khoảng một tuần.
Nhận phần quà của bạn đọc VnExpress thông qua Quỹ Hy vọng gồm thịt hộp, cháo tươi, chăn màn, bánh, sữa, thiết bị giáo dục và tiền trị giá 1,5 triệu đồng, Sút bảo "chắc bố em sẽ mang một ít xuống dưới bệnh viện cho mẹ và chị gái". Chị gái Sút mang bầu sắp đẻ và đang chăm mẹ.
Cảnh khổ của gia đình Sút không quá nổi bật so với bối cảnh chung của đồng bào dân tộc Pa Cô và Vân Kiều tại đây. Sáng 2/11, bà Căn Lũ xuất phát từ 5h sáng để đến trung tâm xã kịp nhận quà cứu trợ lúc 8h30. Bà phải vượt qua hai con suối, nhiều đoạn đường bị chia cắt. Vì chưa ăn gì, nhận quà, bà bóc luôn một túi cháo ăn để có sức quay về.
Chồng bà Lũ mất ba năm trước, 7 con gái lấy chồng xa, chỉ có mình con trai ở gần. Ở tuổi 70, bà vẫn lên rẫy từ mờ sáng. Rẫy ở xa nhà, mỗi lần đi mất chừng năm tiếng. Chiếc đèn pin đeo đỉnh đầu, cái gùi ở phía sau. Cần mẫn cày cuốc, song thiên tai tàn khốc những ngày qua làm bà mất sạch một hecta lúa, 5.000 bụi sắn, chuối và mía. "Sắn cũng hư, lúa cũng hư, cây cũng hư hết cả", bà kể.
Thời điểm này đang là mùa thu hoạch sắn của bà con. Giá được thương lái thu mua là 1.100 đến 1.200 đồng mỗi kg. Dạo tháng 7, mỗi lần lên rẫy về, vợ chồng chị Hồ Thị Sao hay cõng một gùi sắn, băng qua nhiều quả đồi, con suối, dòng sông để ra nơi tiện đường giao thông bán. Mỗi gùi như vậy chị nhận về được khoảng 50.000 đồng. "Những hôm bán được sắn, có tiền, tôi dành 20.000 đồng mua nửa cân cá nục về đổi bữa cho các con", chị Sao, 29 tuổi, đang mang bầu con thứ tư, nói.
Thôn A Ngọ, xã A Ngo, nơi gia đình chị Sao sinh sống cũng bị cô lập nhiều ngày do cầu bị cuốn trôi. Gia đình chị phải ở nhờ nhà hàng xóm ba ngày đêm để tránh lũ bão. Chị kể, gia đình không có tivi, không biết tin tức, gạo hết chưa kịp mua. "May mắn những ngày qua có các đoàn cứu trợ nhà tôi mới không đói", chị nói.
Từ năm ngoái gia đình đã không dám ăn thịt, chủ yếu ăn rau, đổi bữa bằng cá xúc dưới suối. Trong phần quà vừa nhận có cháo, thịt hộp, sữa tươi là những món con chị chưa từng hoặc hiếm có cơ hội được ăn. "Mấy hôm lũ, mấy đứa chỉ mong được món cháo trộn mỳ tôm. Nay có nhiều món ngon thế chắc các con thích lắm", chị nói.
Hôm 2/11, 700 suất quà, mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng, đã được các thành viên Quỹ Hy vọng chuyển trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại nặng do mưa lũ tại vùng sâu của huyện Đkrông. Từ ngày 2 đến 4/11, đợt cứu trợ lần hai, chương trình Chung tay vì miền Trung của Quỹ mang sự chia sẻ của độc giả, các doanh nghiệp đến hơn 2.000 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn, chịu thiệt hại nặng của tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Với sứ mệnh cải thiện giáo dục và hạ tầng vùng khó khăn, hỗ trợ nhân ái tập trung vào nhóm yếu thế và tạo động lực phát triển, Quỹ Hy vọng tin rằng cần nhiều hơn sự kết nối để tạo nên đổi thay. Mọi đóng góp của bạn và thông tin về hoạt động cứu trợ, tái thiết sau thiên tai sẽ được cập nhật trên website của Quỹ.
Phan Dương