Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa tổ chức diễn đàn đầu tiên trong chuỗi hội thảo "Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ" tại tỉnh Sóc Trăng. Nhiều vấn đề nóng và thực tế đã được lãnh đạo địa phương và nông dân mổ xẻ thẳng thắng.
Ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Monterey Bay Aquarium từ Seafood Watch đánh giá những năm qua, ngành tôm Việt Nam phát triển nhưng để đạt giá trị tỷ USD cần phải hoạt động mạnh hơn. "Chúng tôi nhìn thấy cơ hội ở đây nhưng để phát triển thì không phải mở rộng về diện tích nuôi mà là hàm lượng xuất khẩu tôm. Khi tuân thủ đúng quy trình và quy định, giá trị sẽ tăng lên", ông chia sẻ.
Seafood Watch là tổ chức đánh giá chất lượng thủy sản độc lập và mang tính tự nguyện được thị trường và người tiêu dùng Mỹ chấp nhận. Tổ chức có website riêng với các thông tin chi tiết về những tiêu chuẩn chất lượng để vào Mỹ. Tuy nhiên, những thông tin này hiện còn khá mù mờ với đa phần nông dân. Mối quan tâm hàng đầu của họ vẫn là làm sao để tồn tại khi giá cả các sản phẩm đầu vào còn thất thường, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường khiến thiệt hại về tài chính trở thành rào cản lớn trước khi nghĩ đến đặt chân vào thị trường khó tính như Mỹ.
Ông Mai, một người có thâm niên 20 năm nuôi tôm đưa ra công thức đơn giản để có sản phẩm xuất ra là sự kết hợp của lao động, đất đai và "ông trời". Vì thế, người nông dân chưa thể chủ động hoàn toàn nhưng nếu ứng dụng công nghệ thì ngốn hàng tỷ đồng, họ không đủ vốn, không có ai đầu tư trong khi lãi suất ngân hàng cao và các điều kiện cho vay khó. Ông ao ước tín dụng thoáng hơn và nông dân có thể tiếp cận những thông tin hữu ích nhất.
Ông Quách Hồng Phong, Phó Chủ tịch hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Tổng giám đốc công ty TNHH nuôi tôm Vĩnh Thuận cũng cho rằng giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam đang cao hơn so với các nước khác như Ấn Độ, Indonesia... Thức ăn, con giống... có giá cao, nguồn cung chủ yếu từ doanh nghiệp nước ngoài.
"Họ có quyền kinh doanh có lợi nhuận cao nhất nên chưa đồng nhất về giá thành sản phẩm. Làm sao để có giá mà người sản xuất không thiệt thòi khi tỷ lệ người Việt thành công trong nuôi tôm chưa quá 3-5%, làm sao để tôi và con tôi không bỏ nghề?", ông trăn trở trong phần thảo luận.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhìn nhận quy trình sản xuất tôm thương phẩm chưa có kết nối nào, nông dân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về con giống, nguyên liệu, công nghệ và không có nhiều thông tin. Ông đặt câu hỏi là thay vì phát triển ao nuôi thì có nên phát triển công nghệ hay chấp nhận tham gia vào chuỗi và trong trường hợp đó, liệu các bên có thể liên kết thành công.
Chuỗi liên kết này gồm tất cả các doanh nghiệp trong ngành như nhà sản xuất, công ty giống, thu mua, chế biến và thị trường. Cơ chế chuỗi là các bên cung cấp nguồn lực trực tiếp cho hộ nông dân và ngân hàng trả tiền. Ở đó, ngân hàng giống như đối tác vừa quản lý - hỗ trợ tài chính, vừa giám sát thực hiện và đưa ra hình phạt chặt chẽ.
"Vấn đề là người cung cấp thực phẩm, giống, người nuôi biết được tiêu chuẩn và giá trị thị trường, từ đó không lừa nhau nữa và mọi thứ được rõ ràng. Câu hỏi là cần làm gì để chi phí đầu vào ít nhất và lợi nhuận đầu ra cao nhất. Đầu ra ấy chính là một cơ chế nào đó có sự tham gia của các bên", ông nói rõ về lợi ích của mô hình.
Năm 1992, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ ở Sóc Trăng 4.176 ha, trong đó nuôi tôm nước lợ 3.041 ha, chiếm 70% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ với sản lượng đạt 16.778 tấn. Đến năm 2018, diện tích nuôi tôm nước lợ tại đây là 56.160 ha, trong đó nuôi thâm canh tôm sú và thẻ chân trắng chiếm gần 88% với diện tích 49.537 ha, sản lượng 133.815 tấn. "Sản lượng này chiếm gần 15% tổng sản lượng nước lợ của cả nước, đây là tiềm năng và lợi thế lớn của tỉnh", ông Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.
Tôm nước lợ là mặt hàng kinh tế mũi nhọn của ngành thủy sản của Sóc Trăng, tác động lớn đến kinh tế thủy sản tỉnh. Tuy nhiên, tài liệu báo cáo tham luận tại hội thảo cũng chỉ ra sự phát triển ngành này thời gian qua chủ yếu vẫn dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, phát triển còn mang tính tự phát và còn hạn chế trong thu hút đầu tư, chưa phát huy tối đa lợi thế so sánh trong mối quan hệ liên ngành, đa lĩnh vực. Phần lớn người nuôi tôm ở đây là hộ nhỏ với diện tích quy mô nhỏ, khả năng vốn còn yếu. Trong khi đó, tình hình bệnh trên tôm nuôi được đánh giá là mối đe dọa lớn nhất, giá tôm thương phẩm còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường, điệp khúc được mùa mất giá, mất mùa được giá vẫn xảy ra thường xuyên.
Ông Nhã cho biết để nâng cao tình hình phát triển tôm về sản lượng, chất lượng cũng như giá trị, tỉnh Sóc Trăng có những giải pháp như nuôi theo công nghệ cao, nuôi tôm sạch theo hướng hữu cơ và tăng cường phát triển công nghệ cao. Trong đó, phát triển mô hình chuỗi liên kết cũng được khuyến khích đến nông dân. "Tuy nhiên, trong chuỗi sản xuất từ đầu, thị trường tiêu thụ đến bàn ăn vẫn cần nhiều sự hỗ trợ, đồng thuận của các bên. Đó là một trong những điều mà ngành đang tập trung, khuyến khích trong công tác chỉ đạo", ông nhận định.
Ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đưa ra thắc mắc về vai trò của người nuôi tôm trong chuỗi liên kết và nông dân sẽ được hưởng lợi gì. "Để chuyển đổi thách thức về thời tiết, bệnh hại, chất lượng vật tư đầu vào, đối mặt với những nguy cơ lớn... liệu các bên có thể kết hợp trong chuỗi, người nuôi được hưởng lợi và ngân hàng thanh toán theo hóa đơn?", ông đặt vấn đề và mong muốn muốn qua đây có chính sách để người nuôi tôm có thể tiếp cận vốn minh bạch nhằm phát triển bền vững và tạo giá trị. Ở trong chuỗi liên kết đó, lợi ích được phân chia đúng theo tỷ lệ rủi ro và lợi nhuận để các bên phát triển cùng nhau.
Ông Josh Madeira thẳng thắng cho biết Mỹ đã nhập khẩu tôm của Việt Nam nhưng thông tin tiêu cực và sản phẩm bị trả về là nhiều. Vì vậy, ấn tượng của Mỹ về tôm Việt là chất lượng và giá thành thấp. "Đây là điều không vui nhưng cũng là cơ hội để có sáng kiến làm những sản phẩm chất lượng và người làm ăn chân chính sẽ là ngôi sao sáng", ông nhận định.
Ông lấy ví dụ ở Ecuador có liên minh không bao gồm tất cả các đơn vị trong ngành tôm nhưng là tập hợp những hộ, doanh nghiệp cam kết làm theo chuẩn chất lượng. Sáng kiến đó được phía Mỹ đánh giá cao. Những doanh nghiệp này tự đánh giá, kiểm tra, cam kết với nhau để đảm bảo giá trị của liên minh và lợi nhuận từ chuỗi đó được chia sẻ công bằng giữa các bên.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng, nếu các hộ nuôi tôm cạnh tranh với nhau sẽ là mối nguy lớn, thay vào đó nên liên kết với nhau và tạo ra chuỗi giá trị bền vững. "Hãy làm cho thị trường lệ thuộc vào mình chứ đừng để mình lệ thuộc vào thị trường", ông nói.
Trương Sanh
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức vào ngày 2 và 3/5 tại Hà Nội. Nông nghiệp sẽ là một trong những nội dung được mang ra bàn thảo tại chương trình, trong đó đề cập đến chủ đề tìm hướng đi cho con tôm Việt. Chương trình có sự đồng hành của Vietjet Air, Sungroup, Grab, TPBank, Tân Hiệp Phát, Bluescope, MXP, Agribank, TH Group, Tiki, Logivan, Binance. |