"Tôi viết những mục tiêu về bản thân và cuộc sống mà mình mong muốn hoặc những lời hứa sẽ thực hiện trong năm mới", cô nói. Sáu năm qua, cô gái quê Temecula, California (Mỹ) đã quen với việc đón Tết ở Việt Nam cùng những người bạn mới.
Cô kể, vừa có một mùa Giáng sinh tuyệt vời ở Việt Nam cùng gia đình chị gái từ Mỹ sang, sau 7 năm xa cách. Cả gia đình đã có một chuyến du lịch đáng nhớ ở Phú Quốc và bữa tối Giáng sinh tại một nhà hàng Italy ở Thảo Điền (TP HCM).
"Gia đình chị gái đã rời Việt Nam ngày 25/12. Tôi lại có một năm mới không có người thân", Sasha nói.
Sasha đang làm việc cho một công ty công nghệ tại quận 7, nói tiếng Việt rất sõi. Cô kể, dịp Tết Dương lịch ở Mỹ, mọi nhà sẽ có một bữa tiệc thân mật, cùng rượu champage. Gia đình quây quần bên nhau đếm ngược đến giao thừa và xem bắn pháo hoa. Còn ở trung tâm lớn như New York, hàng nghìn người sẽ xếp hàng cả ngày để chờ thời khắc hạ quả cầu ở quảng trường Thời Đại.
Một truyền thống đặc sắc của người Mỹ là "Midnight good luck kiss", một ai đó sẽ hẹn trước để hôn người khác hoặc tìm một ai đó để hôn ngay khi đồng hồ điểm nửa đêm. "Hôn ai đó vào lúc 0 giờ để nguyện cầu may mắn trong tình yêu vào năm sau", cô gái Mỹ chia sẻ.
Đối với Sasha, giao thừa ở Việt Nam thú vị không kém Mỹ. Cô đi thuyền trên sông Sài Gòn xem pháo hoa và đếm ngược cùng bạn bè. "Giao thừa hai năm trước, tôi và bạn trai (người Việt) đã bỏ lỡ nụ hôn lúc 0h vì quá bận rộn, năm nay chúng tôi sẽ thực hiện nó", Sasha nói, tay che miệng vì hơi xấu hổ.
Cô có thói quen nhớ và hồi tưởng về một năm đã qua, lên kế hoạch cho năm sắp tới bằng cách viết nhật ký. "Năm mới này, tôi muốn học thêm về lập trình, sống lành mạnh hơn, ngủ sớm hơn...", cô gái Mỹ chia sẻ.
Sinh nhật rơi vào gần ngày đầu năm mới nên Alushka Jansen Van Vuuren, 29 tuổi, người Nam Phi quyết định tổ chức bữa tiệc lớn cùng bạn bè vào đêm giao thừa 2023 trong ngôi nhà tại TP HCM, với những dây đèn, trái châu lấp lánh từ dịp Giáng sinh.
10 năm ở Việt Nam, Alushka tự tin rằng mình cuốn chả giò (nem) rất giỏi. năm nay cô còn học gói bánh tét để đón Tết Dương lịch. Mẹ Alushka rất ngạc nhiên khi nhìn thấy món bánh truyền thống Việt Nam. "Này, sao con lại ăn toàn lá thế kia, thịt và khoai tây đâu?", người mẹ đang ở Nam Phi nói qua màn hình điện thoại.
Bữa tiệc của cô gái người Nam Phi luôn có nhiều rượu vang và kéo dài xuyên đêm. Cô cùng họ tụ họp ở phòng khách, trò chuyện và tặng quà cho nhau. Theo Alushka, người dân quê hương cô xem Tết Dương lịch là cột mốc quan trọng. Họ mong muốn được hôn người mình yêu vào lúc 0h, thời khắc thiêng liêng nhất.
"Người Việt Nam tốt bụng, sống tình cảm gắn kết và luôn mong muốn đoàn viên vào dịp đặc biệt. Vì thế, chúng tôi không muốn xen vào không khí gia đình hoặc rủ họ ra ngoài", cô nói.
Sinh sống ở Việt Nam 6 năm, anh Yazan Safi, giám đốc một công ty marketing xem Tết Dương lịch là ngày bình thường. Anh thức dậy lúc 4h30, đến phòng gym tập luyện rồi trở về nhà ăn nhẹ. Chàng trai người Syria ngồi vào bàn làm việc lúc 8h30 và gấp laptop, kết thúc công việc lúc 9h tối. Yazan Safi thừa nhận mình là người "nghiện" công việc và không có khái niệm đón giao thừa mừng năm mới ở Việt Nam.
Những năm ở Syria, Yazan luôn chuẩn bị đón năm mới từ ngày 23/12, tức trước Giáng sinh. Khi đó, tuyết phủ dày các con đường trong thành phố. Anh và gia đình sẽ ngồi cạnh nhau thưởng thức món gà truyền thống. Sang Việt Nam, anh ít tham gia các hoạt động countdown nhân dịp năm mới vì không thích đông đúc, kẹt xe.
Anh nói tiếng Việt khá sõi, yêu văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì tận hưởng nghỉ Tết, Yazan Safi vẫn đến công ty. Anh cảm thấy tự hào khi làm việc chăm chỉ, giữ hình ảnh trong mắt đối tác và khách hàng. "Sau này, nếu có gia đình ở Việt Nam, tôi sẽ tận hưởng kì nghỉ nhiều hơn. Và chắc hẳn những đứa trẻ của tôi sẽ có cái Tết hạnh phúc".
Tết năm 2023, người đàn ông Nga Oleg Ponfilenok, 37 tuổi, một lần nữa ăn Tết ở Việt Nam. "Giống như Tết cổ truyền của người Việt, Tết ở Nga là dịp mọi người trong gia đình tôi quây quần bên nhau, nhìn lại một năm đã qua. Chúng tôi cùng trang trí cây thông và đặt quà tặng nhau bên dưới", anh nói. Người Nga quan niệm, bàn đầy thức ăn tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ của năm mới nên chuẩn bị rất nhiều. Những món không thể thiếu trên bàn ăn của họ là bắp cải cuộn thịt, salad cá muối củ cải đỏ...
Hai năm trước, Oleg nên duyên với cô gái Việt tên Thanh Tâm, 27 tuổi. Anh phát triển sự nghiệp ở quê vợ nên cả Tết năm ngoái và năm nay đều không về nước. Bố mẹ Oleg cũng bận rộn với công việc, chẳng thể sang Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình con trai. Khoảng cách địa lý quá lớn nên họ chọn đón Tết online cùng nhau.
Dịp Tết dương lịch năm nay, Oleg cùng vợ đến một hòn đảo ở Nha Trang chào năm mới. ''Chúng tôi gọi món salad oliver và bắp cải cuộn thịt để ăn trong đêm giao thừa. Nếu khách sạn không có, tôi yêu cầu họ làm riêng và cùng uống champanne", anh nói. Họ đếm ngược khoảnh khắc chuyển giao cùng gia đình tại Nga qua màn hình điện thoại, gửi lời chúc mừng năm mới.
Để vợ và con hiểu về văn hóa quê hương mình, ngoài những món ăn truyền thống không thể thiếu trên bàn tiệc, hai năm nay, anh đều bí mật chuẩn bị cho họ những món quà thú vị.
''Chồng tôi thường bảo niềm vui và hạnh phúc sẽ tăng gấp bội nếu có ba mẹ cùng đón năm mới. Anh giỏi giấu cảm xúc lắm, nhưng phút đón giao thừa, ánh mắt buồn nhớ quê hương của anh không thể giấu được'', Thanh Tâm, 27 tuổi, vợ Oleg nói.
Năm 2023, Sasha, Oleg, Alushka hay Yazan đều cầu mong các thành viên trong gia đình mình có nhiều sức khỏe, dù đón giao thừa online hay đoàn tụ, họ vẫn có nhau trong đời.
Minh Tâm - Ngọc Ngân - Phạm Nga