Ông Hoàng Lãng, 54 tuổi, trú thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm (Hải Lăng, Quảng Trị) được nhiều người trong vùng biết đến với tư cách là chủ sở hữu của 20ha rừng tràm.
Ông Lãng kể, năm ông đang học lớp 6, trong một lần cùng gia đình ra đồng thu dọn cỏ khô để trồng khoai. Hai tay ông vừa ôm đống cỏ khô trước bụng thì bất ngờ một quả đạn sót lại sau chiến tranh trong đống cỏ ấy, phát nổ. “Lúc tỉnh dậy, thấy mình không còn tay nữa. Tôi chán cuộc đời lắm, nhiều khi muốn chết đi cho xong”, ông Lãng nhớ lại.
Được gia đình, bè bạn động viên, ông sớm vượt qua nỗi đau, bắt đầu tập làm việc bằng đôi tay cụt. Ban đầu chỉ là những công việc đơn giản như cầm muỗng để ăn cơm, rồi tập cầm cuốc, cầm cày, đi chặt mây tre trên rừng về đan rổ rá kiếm thêm thu nhập.
Năm 22 tuổi, ông nên duyên vợ chồng với bà Hồ Thị Dưỡng, hơn ông 2 tuổi. “Tôi thích ông ấy vì dù tật nguyền nhưng vẫn siêng làm, biết vượt qua khó khăn, có quyết tâm làm giàu. Đến giờ, tôi biết đã không chọn nhầm người”, bà Dưỡng tâm sự.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ lúc đó vô cùng khó khăn. Không còn cách nào khác, ông Lãng đành kẹp cưa, rựa lên rừng làm lâm tặc. Nhưng rồi, cuộc đời của tên lâm tặc cụt tay bước sang một ngã rẽ mới nhờ câu nói của đứa con trai đầu: “Cô giáo con bảo, rừng vàng biển bạc. Không được phá rừng, vì không có rừng sẽ gây ra lũ lụt, xói lở đất”.
“Ngẫm câu nói của con, nghĩ đến những trận lũ lịch sử xảy ra tại quê nhà, cuốn nhà, trôi đất của dân làng có thể một phần hậu quả là do mình, tôi quyết trồng rừng để chuộc lại lỗi lầm”, ông Lãng nhớ lại.
Năm 2003, ông viết đơn xin khai hoang 20ha rừng hoang hóa để trồng tràm với ước mơ phát triển kinh tế và góp phần phủ xanh đất rừng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban ngày ông mở đất trồng rừng. Đêm đêm ông thả lưới kiếm con tôm, con cá bán lấy tiền trang trải các khoản chi tiêu.
Đến nay, sau gần 11 năm lập nghiệp, ông Lãng đã có một cơ ngơi đáng nể với 20ha rừng tràm, 5 năm thu hoạch một lần, tính bình quân ông thu lãi 150 triệu đồng một năm; gần 2ha sắn, thu nhập gần 50 triệu đồng một năm; đàn bò, gà… mỗi năm thu nhập từ 20-30 triệu đồng. Mới đây, ông trồng thêm 2ha cao su và chuẩn bị trồng 1ha tiêu.
Ông Lãng biết bơi từ thuở chăn trâu, nghĩ cụt tay sẽ không còn bơi được nữa, nhưng không. 10 năm nay ông là một trong số ít “kình ngư vàng” của làng thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Nhìn lại hơn 50 bộ huy chương các loại, ông Lãng tâm sự: “Năm 2004, tôi được Trung tâm Hội Người khuyết tật huyện Hải Lăng giới thiệu đi bơi. Cứ nghĩ mình không có tay sẽ không bơi được nhưng khi thấy nhiều người không có chân vẫn giật giải nên tôi mới quyết tâm tập luyện”.
Hàng ngày, ngoài giờ tập luyện ở trung tâm, ông còn tự tập ở sông Nhùng, nơi gắn với tuổi thơ. Chính sự nỗ lực đó, ngay lần thi đấu đầu tiên, ông đã giành 3 Huy chương Vàng tại hội thao người khuyết tật tỉnh và 4 Huy chương Đồng hội thao người khuyết tật quốc gia.
Nhiều lần thi đấu, ông đều phá kỷ lục của chính mình. Ông cười: “Không ai phá kỷ lục của mình thì mình phải tự phá thôi”.
Lúc đầu, để cầm được cây cuốc, cây rựa, ông dùng dây buộc hai cánh tay cụt vào cán cuốc, cán rựa. Nhưng buộc như vậy làm vừa đau vừa không chắc chắn. Sau, ông nghĩ ra cách tạo một cùm sắt gắn vào cán cuốc, cán rựa. Cùm sắt vừa chắc chắn, lại không bị rơi mà không bị bầm máu ở tay, hiệu quả làm việc của ông được nâng lên rõ rệt. |
Theo Dân Việt