Theo điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ mà lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hoá, dịch vụ...
Điều 13 Luật này quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng. Cụ thể:
1. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm:
a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hoá, dịch vụ được cung cấp;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hoá, dịch vụ;
c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua phương tiện truyền thông thì chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông cũng có trách nhiệm thực hiện các quy định nói trên.
Như vậy, trường hợp nghệ sĩ quảng cáo gian dối, không đúng sự thật (về chất lượng hàng hóa, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý...), nhà sản xuất, nghệ sĩ và đơn vị truyền thông cung cấp dịch vụ quảng cáo cùng liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy theo tính chất. mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì hành vi quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm: buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo; buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm. Nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi quảng cáo gian dối hoặc đã bị kết án về tội quảng cáo gian dối, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự với mức phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (hình phạt bổ sung), cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội