Xu hướng trái ngược với giai đoạn tháng 2 đến tháng 6/2020, tỷ lệ này giảm 14% nhờ các yếu tố như trợ cấp của chính phủ, giảm giờ làm việc và đóng cửa trường học.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cho biết trong tháng 10/2020 có 2.153 người tự tử. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, tính tới 27/11/2020, nước này ghi nhận 2.087 người chết vì Covid-19.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Human Behavior hôm 15/1 cho biết: "Đại dịch có tác động đáng kể đối với tâm lý của trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ, đặc biệt là những người nội trợ". Tỷ lệ tự tử tăng 37% ở phụ nữ, gấp 5 lần so với nam giới.
Đại dịch kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành công nghiệp mà phụ nữ là nhân lực chính, gây tác động đáng kể lên những người có vai trò trụ cột gia đình. Bên cạnh đó, tình trạng bạo hành tiếp tục gia tăng. Dựa trên dữ liệu của Bộ Y tế từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2020, giới nghiên cứu phát hiện tỷ lệ trẻ em tự tử tăng tới 49% trong làn sóng Covid-19 thứ hai, tương ứng với giai đoạn sau quyết định đóng cửa trường học trên toàn quốc.
Tháng 1, Thủ tướng Yoshihide Suga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và ba quận xung quanh nhằm ngăn chặn Covid-19 bùng phát trở lại. Tình trạng khẩn cấp sau đó mở rộng thêm 7 tỉnh nữa, trong đó có Osaka và Kyoto. Hôm 14/1, Taro Kono, Bộ trưởng Cải cách hành chính, cho biết: "Covid-19 rất đáng lo ngại nhưng rất nhiều người đã tự tử vì mất việc làm, mất thu nhập và mất cả hy vọng vào tương lai. Do đó, chúng ta cần cân bằng giữa phòng chống Covid-19 và đảm bảo các hoạt động của nền kinh tế".
Thực tế, đại dịch và những nỗ lực kiểm soát của chính phủ đã tạo ra tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng đến nền kinh tế và sức khỏe tinh thần của người dân toàn thế giới, trong đó có châu Á.
Theo Hiệp hội Tâm thần Ấn Độ, các trường hợp mắc bệnh tâm lý ở nước này đã tăng 20% kể từ khi áp đặt lệnh phong tỏa. Một cuộc khảo sát ở Thái Lan cũng cho thấy gần 50% người dân Bangkok bị stress. Tại Singapore, 65% công nhân cho biết cảm thấy căng thẳng trong tháng 4/2020, tăng 5% so với hồi tháng 1/2020, theo Công ty Y tế Cigna của Mỹ.
Hải Chi (Theo Reuters)