Bản báo cáo dài 1.400 trang trình quốc hội tuần này nêu chi tiết việc 16.500 người bị cưỡng ép phẫu thuật triệt sản nhằm mục đích "ngăn chặn sự ra đời của thế hệ sau kém chất lượng, bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người mẹ". Phần lớn số này là phụ nữ.
Chính sách được thực hiện theo luật ưu sinh, cho phép chính quyền triệt sản người thiểu năng trí tuệ, mắc bệnh tâm thần hoặc rối loạn di truyền để ngăn ngừa sinh ra trẻ em "chất lượng kém".
Ngoài 16.500 người bị cưỡng ép triệt sản, có 8.000 người tự nguyện vì áp lực, gần 60.000 người phá thai vì có bệnh di truyền. Thậm chí có hai trẻ em 9 tuổi, một trai và một gái, cũng bị triệt sản.
Chính sách triệt sản đã gây tranh cãi từ lâu và báo cáo được đưa ra tuần này là tài liệu tổng hợp chi tiết nhất từ chính phủ Nhật Bản. Hàng chục năm qua, nạn nhân của chương trình triệt sản đã liên tục vận động đòi bồi thường tài chính, yêu cầu chính quyền thừa nhận nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần mà họ phải đối mặt.
Năm 2019, các nghị sĩ thông qua luật yêu cầu chính phủ bồi thường cho mỗi nạn nhân 22.800 USD. Tuy nhiên, các nhà vận động cho rằng số tiền này không thể bù đắp nỗi đau mà nạn nhân đã trải qua. Thời hạn nộp đơn nhận bồi thường là tháng 4/2024 nhưng hiện chỉ 1.049 người nhận được tiền.
Tính đến nay, 4 tòa án đã ra quyết định chính quyền phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, nhưng các tòa khác đứng về phía chính quyền với lý do thời hiệu pháp lý 20 năm đã hết. Các luật sư kháng cáo với lý do nạn nhân hiểu ra bản chất cuộc phẫu thuật quá muộn, không đáp ứng được thời hiệu yêu cầu bồi thường pháp lý.
Đức và Thụy Điển từng thực hiện chính sách ưu sinh tương tự, nhưng sau đó đã xin lỗi nạn nhân và bồi thường. Cả hai nước đều bãi bỏ luật này nhiều năm trước khi Nhật Bản thực hiện động thái vào thập niên 1990.
Đầu tháng 6, một tòa án cấp cao đã bác bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại của hai phụ nữ, trong đó có Jujnko Iizuka, người mới 16 tuổi khi bị đưa tới một bệnh viện ở đông bắc Nhật Bản thực hiện ca phẫu thuật bí ẩn mà mãi sau này cô mới phát hiện đó là phẫu thuật triệt sản.
"Triệt sản theo luật ưu sinh đã tước đi giấc mơ giản dị của tôi về một gia đình hạnh phúc có chồng có con", Iizuka, 77 tuổi, nói hôm 21/6.
Iizuka, người dùng tên giả và đeo khẩu trang, đội mũ mỗi khi ra nơi công cộng, cho biết ca phẫu thuật đã phá hủy các mối quan hệ quan trọng nhất cuộc đời bà.
"Lúc tôi nói với chồng, người tôi tin tưởng nhất, rằng tôi từng bị phẫu thuật triệt sản và không thể sinh con, anh ấy đã lập tức yêu cầu ly hôn", bà nói. "Tôi phát điên và không đủ năng lực làm việc. Tôi được chẩn đoán mắc sang chấn tâm lý. Phẫu thuật triệt sản đã đảo lộn đời tôi".
Sau khi báo cáo được công bố, chánh văn phòng nội các Hirokazu Matsuno bày tỏ chính phủ gửi lời "xin lỗi sâu sắc" về "nỗi đau to lớn" mà các nạn nhân đã trải qua. Báo cáo nhấn mạnh luật ưu sinh không còn tồn tại.
Koji Niisato, luật sư đại diện cho các nạn nhân, nhận định báo cáo đã tiết lộ nỗi kinh hoàng của cưỡng ép triệt sản, nhưng vẫn chưa trả lời được các câu hỏi quan trọng. "Báo cáo không tiết lộ lý do ban hành luật này, tại sao phải mất 48 năm mới sửa đổi luật, tại sao các nạn nhân chưa được bồi thường", Niisato nói.
Iizuka cho hay sẽ kháng cáo để đòi bồi thường. Hơn 60 năm sau khi bị triệt sản, bà vẫn chưa vượt qua tổn thương tâm lý.
"Tôi và những nạn nhân khác đang già đi, có người đã chết", bà nói. "Tôi ốm đau, thường xuyên phải đi viện. Nhưng chúng tôi không được phép để những thứ đã hãm hại chúng tôi lẩn khuất trong bóng tối".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)