Kim cương không phải lúc nào cũng cần thiết, ít nhất là tại Nhật Bản. Ở đây, người dân đang bán các loại đá quý không còn dùng tới với lượng lớn, chủ yếu sang Trung Quốc hay Ấn Độ.
Các loại nhẫn và hoa tai đính đá là mốt của thập niên 80 và 90. Nhưng nó đang thoái trào khi người dân nước này già đi và nền kinh tế chậm lại. Xuất khẩu kim cương đã qua sử dụng tại đây đã tăng 77% năm nay, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết.
"Tôi muốn dành tiền đi du lịch hoặc ăn uống, thay vì cứ để kim cương trong tủ", Mitsuko - một bà nội trợ 64 tuổi tại Tokyo cho biết. Bà đã bán chiếc nhẫn kim cương 2 carat cho một cửa hàng tại Tokyo, nhưng không tiết lộ giá. Mitsuko chỉ cho biết số tiền này còn ít hơn tiền bà đã bỏ ra mua 30 năm trước.
Khi dân số co lại và số người nghỉ hưu tăng lên, thị trường đồ cũ tại Nhật Bản ngày càng phát triển. Người dân muốn bán những mặt hàng xa xỉ đã mua từ những năm kinh tế bùng nổ. Hoạt động này cũng phù hợp với kế hoạch khuyến khích người dân tăng mua sắm và giảm tiết kiệm, khi Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực hồi sinh nền kinh tế từ sau bong bóng giá tài sản đầu thập niên 90.
Năm 2013, khoảng 25% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi, tăng 12% so với năm 1990, theo Tổng cục Thống kê nước này. Với một số người, như bà Mistuko, bán đồ không cần thiết sẽ giúp bà có cuộc sống đơn giản hơn. Trong khi đó, nhiều người khác lại bán trang sức được thừa kế để chuẩn bị cho sự ra đi, Shuzo Takamura – Giám đốc Japan Re-Jewelry Council cho biết.
Thị trường cho các đồ dùng đã qua sử dụng đã tăng 10% mỗi năm kể từ năm 2009, chạm 1.500 tỷ yen (12,1 tỷ USD). Mọi người cũng đã thoải mái hơn trong việc bán lấy tiền mua sắm, Takamura cho biết.
Số cửa hàng được chấp thuận trao đổi các kim loại quý, đá quý, quần áo và mặt hàng khác đã qua sử dụng đã tăng 23% trong 10 năm qua, lên hơn 741.000. Đồng yen yếu cũng khiến kim cương và trang sức Nhật trở nên hấp dẫn với khách hàng nước ngoài. Tiền tệ này đã mất giá 18% so với USD trong 12 tháng qua.
Xuất khẩu kim cương của Nhật Bản 4 tháng đầu năm đã tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, lên cao nhất từ năm 2007. Giá trị số kim cương này cũng lên kỷ lục 3,01 tỷ yen. Ấn Độ và Hong Kong (Trung Quốc) là những nước mua lớn nhất về số lượng, khi mỗi nơi đóng góp một phần ba tổng.
Trung Quốc hiện là thị trường kim cương tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sau Mỹ, theo De Beers - hãng kinh doanh kim cương hàng đầu thế giới. Nhật Bản từng là nước mua kim cương lớn nhì toàn cầu trước khủng hoảng tài chính 2008, thì nay đứng thứ 4, sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Phần lớn nhu cầu của Trung Quốc đến từ tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh, theo Paul Gait – nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein. "Thị trường trang sức Trung Quốc có tiềm năng trở thành động cơ khổng lồ cho nhu cầu thế giới", Gait dự báo.
Tại Ấn Độ, doanh số bán kim cương cũng đang tăng khi thu nhập của người dân được cải thiện. Đây cũng là trung tâm cắt và đánh bóng kim cương của châu Á.
Vaibhav Bhandari (24 tuổi) mua kim cương tại các cuộc đấu giá 4 lần mỗi tháng tại Okachimachi – trung tâm bán buôn kim cương của Tokyo. Sau đó, anh đem về bán cho các hãng trang sức tại Mumbai (Ấn Độ) và Hong Kong (Trung Quốc)
"Chúng tôi có thể mua kim lương tái chế rẻ hơn 15% tại Nhật Bản, mà chất lượng vẫn như cái mới ở Ấn Độ. Và một khi được đánh bóng lại, anh sẽ không thể phân biệt được chúng nữa đâu", anh cho biết.
Hà Thu (theo Bloomberg)