Dịch vụ mai mối trực tuyến xuất hiện ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ 21 và tăng đột biến trong đại dịch. Khảo sát của chính phủ công bố năm ngoái cho thấy 1/4 vợ chồng dưới 40 tuổi ở Nhật kết hôn nhờ ứng dụng hẹn hò.
Giáo sư xã hội học Masahiro Yamada ở Đại học Chuo Tokyo cho biết dân số Nhật Bản già hóa, số lượng người trẻ đang giảm và họ không có nhiều sự lựa chọn nào khác ngoài ứng dụng.
"Khi chuyển sang hình thức trực tuyến, họ ít tuyệt vọng hơn trong việc tìm kiếm bạn đời so với thế hệ cha mẹ họ", ông nói.
Báo cáo phân tích xu hướng hẹn hò của Tinder cho thấy mục tiêu phổ biến nhất của người dùng Nhật Bản là hẹn hò với ai đó tử tế".
Katsumi, 24 tuổi ở Tokyo, bắt đầu sử dụng ứng dụng hẹn hò nhưng kỳ vọng của anh không cao. "Nửa tôi muốn tìm ai đó để đi chơi, nửa còn lại hy vọng nếu gặp được người tốt, họ sẽ trở thành bạn gái của mình", Katsumi nói.
Anh đã tìm được người yêu qua Pairs, ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất tại Nhật Bản. Họ đã yêu nhau 2,5 năm.
Dù dịch vụ mai mối trực tuyến đã mang đến nhiều cơ hội, người dùng vẫn thường bị đánh giá qua các thông tin như chiều cao, thu nhập (đối với nam) hay ngoại hình, độ tuổi (đối với nữ). Erika, 23 tuổi, nói chiều cao 173 cm của cô là "vấn đề lớn". Cô khá cao so với phụ nữ Nhật Bản nên khi xem hồ sơ, cô bị hạn chế nhiều.
Còn Seokjin đã gặp được Nabi, y tá 27 tuổi ở tỉnh Tochigi qua ứng dụng. Nabi cũng đã gặp nhiều người đàn ông trước đó nhưng với Seokjin, cô mới thật sự rung động.