Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản vừa công bố, số tiền 100.000 yen (918 USD) phát cho công dân đủ điều kiện năm ngoái đã nâng thu nhập khả dụng của người tiêu dùng lên 4% theo giá trị thực trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Tuy nhiên, chi tiêu trung bình hàng tháng của họ đã giảm 4,7% so với cùng kỳ, mức giảm lớn nhất kể từ năm tài chính 2014.
Việc cắt giảm chi tiêu chủ yếu do xu hướng hạn chế ra ngoài và việc ban bố các tình trạng khẩn cấp để chống dịch. Chi tiêu trung bình hàng tháng cho các chuyến du lịch trọn gói giảm mạnh 80%. Chi tiêu nhà hàng hàng tháng giảm 4.188 yen, xuống 11.796 yen. Do có nhiều người làm việc tại nhà nên chi tiêu hàng tháng cho quần áo đã giảm 2.183 yen, xuống còn 10.260 yen.
Chi tiêu cho các tiện ích, thiết bị và đồ dùng lâu dài khác tăng do nhu cầu ở tại nhà, nhưng không đủ để tăng chi tiêu tiêu dùng nói chung. Tỷ lệ chi tiêu trung bình trong tổng thu nhập khả dụng của người dân giảm xuống mức 61,3% trong năm tài chính 2020, từ mức 66,9% của năm trước đó. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1970.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm trung bình so với tổng thu nhập tăng 3,2 điểm phần trăm, lên 35,2%. Trong năm 2020, các hộ gia đình Nhật đã tiết kiệm được 36.000 tỷ yên, tương đương gần 7% GDP, theo ước tính của Naohiko Baba, Nhà kinh tế trưởng Nhật Bản tại Goldman Sachs.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, dựa trên thói quen trước đây, dự báo các hộ gia đình sẽ rút một phần tiền tiết kiệm đó và nâng mức tiêu dùng lên 3.900 tỷ yen trong hai năm tới. Trong đó, người cao tuổi nói riêng có tiềm năng lớn nhất để thúc đẩy chi tiêu.
Nhưng với việc việc triển khai vaccine còn chậm và tình trạng khẩn cấp mới nhất được ban bố kéo dài đến cuối tháng 5, sự phục hồi kinh tế của đất nước này sẽ chậm hơn Mỹ và các quốc gia khác. Theo báo cáo của chính phủ Nhật hôm 11/5, người dân vẫn giữ xu hướng tiết kiệm. Chi tiêu cá nhân trong quý I/2021 đã giảm 1,9% so với quý IV/2020.
Phiên An (theo Nikkei)