Sự việc càng trở nên căng thẳng khi cảnh sát cơ động được điều đến ổn định trật tự. Các học viên trong tình trạng bị kích động, mất kiểm soát đã đập phá nhà cửa, tài sản và tìm mọi cách để thoát ra ngoài. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để trấn áp, thậm chí phải tính đến phương án huy động cảnh sát phòng cháy chữa cháy điều xe vòi rồng trong trường hợp khẩn cấp. Tất nhiên với sự can thiệp tích cực của lực lượng cảnh sát và bảo vệ, tình hình trong Trung tâm đã được thiết lập ổn định. Nhưng tôi tự hỏi, sự ổn định này sẽ kéo dài bao lâu khi mà trong vòng một tháng, học viên trung tâm này đã ba lần nổi loạn đòi được giải thoát.
Nhà tôi cũng có thành viên bị nghiện và đang được cai ở trung tâm. Tôi cũng giúp liên hệ để đưa một số người quen biết đi cai nghiện. Nhưng người thân của tôi cũng như tất cả những người khác tôi biết đều không thành công. Họ kể, điều kiện sống trong trại quá kham khổ, họ bị gò theo kỷ luật dù không phải là tội phạm. Nhưng quan trọng nhất, người nhà tôi khẳng định, ở không ít nơi, ma túy bằng cách nào đó vẫn len lỏi được vào trại.
Mới đây, khi xảy ra cuộc náo loạn lần ba, ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cũng bày tỏ sự nghi ngờ rằng: "Ngoài việc quá tải, chúng ta cần xem xét có hay không chuyện các học viên sử dụng ma túy, chất kích thích trước khi gây rối, đập phá. Một người bình thường không thể trèo cột điện, leo tường, chạy quanh mái nhà... được như vậy". Đây chính là một trong những lý do khiến cho việc cai nghiện tại các trung tâm trở nên vô hiệu.
Theo Luật Phòng, chống ma túy và các nghị định của Chính phủ về luật này, người nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên sau khi không cai nghiện được ở gia đình ở cộng đồng thì phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chính sách này áp dụng trên toàn quốc đối với những người nghiện trong diện tập trung cai nghiện.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2006 - 2010, tổng kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để xây dựng, nâng cấp các trung tâm cai nghiện là khoảng 800 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2014, ngân sách cũng chi ra số tiền tương đương.
Nhưng điều quan trọng nhất theo tôi là các trung tâm cai nghiện không đạt được hiệu quả mong muốn. Theo số liệu của Cục phòng chống tệ nạn xã hội, hiện tỷ lệ tái nghiện lên đến 90%. Chỉ có số rất ít người cai nghiện trở về mà không tái nghiện. Tôi cho rằng phải xem lại hoạt động và cách tổ chức của các trại cai nghiện. Học viên không mất quyền công dân nhưng bị kiểm soát chặt chẽ, phải lao động bắt buộc và ở nhiều nơi, do cách đối xử cứng rắn của nhân viên trung tâm nên người nghiện bị ức chế, muốn nổi loạn. Trung tâm cai nghiện Xuân Phú không phải là trường hợp đầu tiên và cũng không là nơi cuối cùng.
Chính sách cho người nghiện ma túy tập trung cai nghiện trong các trung tâm là một chính sách tốt, nhân đạo. Nhưng một chính sách nhân đạo thôi chưa đủ. Một khi những điều tiêu cực và nghịch lý vẫn có không gian để tồn tại, tôi nghĩ, nó sẽ đẩy những con người lầm lạc vào chỗ bế tắc hơn.
Phạm Ngọc Tiến