Báo cáo hàng năm về bất bình đẳng được tổ chức Oxfam International công bố hôm 24/1 cho biết 9 tháng là thời gian top 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới lấy lại tài sản đã mất vì đại dịch. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nghèo nhất sẽ phải mất hơn một thập kỷ. Báo cáo được công bố trước thềm hội nghị "Đối thoại Davos" trực tuyến do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tuần này.
Oxfam cho rằng đại dịch sẽ làm tăng bất bình đẳng kinh tế tại gần như tất cả các quốc gia cùng một lúc. Đây là lần đầu tiên việc này xảy ra.
"Chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng bất bình đẳng lớn nhất kể từ khi các số liệu được ghi nhận. Khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo cũng gây tổn thương như đại dịch vậy", Gabriela Bucher - Giám đốc Điều hành của Oxfam cho biết, "Các nền kinh tế đang chuyển tài sản cho nhóm giàu có - những người còn thịnh vượng hơn sau đại dịch, trong khi những người ở tiền tuyến - nhân viên cửa hàng, nhân viên y tế và người bán rong lại chật vật chi trả nhu yếu phẩm".
Đại dịch đã khiến gần 100 triệu người lây nhiễm và hơn 2,1 triệu người thiệt mạng. Việc này cũng khiến bất bình đẳng trở thành tâm điểm chú ý. Ví dụ, số phụ nữ gặp rủi ro giảm thu nhập hoặc mất việc làm sẽ giảm 112 triệu người nếu lượng nam - nữ trong các ngành chịu ảnh hưởng từ đại dịch là ngang nhau.
Trong khi đó, người giàu nhìn chung chống chịu với đại dịch tốt hơn. Thị trường chứng khoán lao dốc đầu năm ngoái, nhưng đã nhanh chóng bật lại, nhờ sự hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của các chính phủ.
Trên thế giới, tài sản của các tỷ phú đã tăng thêm 3.900 tỷ USD giai đoạn tháng 3 - cuối tháng 12, theo tính toán của Oxfam. Tuy nhiên, số người sống trong nghèo khổ toàn cầu có thể cũng đã tăng thêm 500 triệu năm ngoái, Oxfam trích báo cáo của UN University thuộc Liên hợp Quốc cho biết.
Các báo cáo khác cũng chỉ ra đại dịch khiến người nghèo tổn thương nhiều nhất. Một nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 10 chỉ ra đại dịch có thể đẩy khoảng 60 triệu người vào cảnh nghèo khó.
Để ngăn bất bình đẳng gia tăng, các nước nên đảm bảo mọi người dân tiếp cận được vaccine Covid-19 và hỗ trợ tài chính nếu họ thất nghiệp, Bucher cho biết. Tuy nhiên, lần này cần các khoản đầu tư dài hạn hơn vào dịch vụ công và những ngành có khí thải thấp để tạo ra hàng triệu việc làm và đảm bảo mọi người được tiếp cận giáo dục cũng như chăm sóc y tế.
Hà Thu (theo CNN)