Xu Jialiang, một lái xe taxi ở Thâm Quyến, Quảng Đông cho biết anh từng rất lo lắng tới việc trở thành mục tiêu cho những tên cướp mỗi đêm bởi những xấp giấy bạc mà mình mang theo người mỗi khi đi làm.
Nhưng sự bùng nổ của trào lưu thanh toán qua di động đã thay đổi tất cả, đặc biệt với cánh lái xe như anh. Rất nhanh chóng, nhiều người chấp nhận các giao dịch không dùng tiền mặt thông qua việc quét mã QR trên điện thoại di động. Anh giờ ít phải lo lắng hơn về tiền giả cũng như nguy cơ bị cướp và chia sẻ thêm rằng việc sử dụng mã QR thậm chí đã lan sang cả hoạt động từ thiện tại các nhà thờ hay chùa chiền.
"Tôi từng mang theo vài trăm nhân dân tệ, đôi khi hơn một nghìn (khoảng 3 triệu đồng) trong xe mỗi ngày trong nhiều năm, bởi luôn cần phải trả lại hoặc đổi tiền", anh chia sẻ. "Trước đây, bọn cướp thích nhắm đến các tài xế taxi. Nhưng bây giờ, nhờ thanh toán di động, chúng tôi an toàn hơn vì không có nhiều tiền mặt trong xe nữa".
"Bây giờ hầu hết hành khách đều trả tiền qua điện thoại di động. Chỉ có những người cao tuổi và học sinh vẫn sử dụng tiền giấy như trước", anh nói thêm.

Hành khách đang trả tiền cho lái xe taxi qua hình thức thanh toán di động. Ảnh: SCMP.
Theo SCMP, Trung Quốc hiện là thị trường không dùng tiền mặt lớn nhất thế giới và sự phát triển nhanh chóng này được xem như bằng chứng về khả năng sáng tạo và thích ứng của xã hội. Các quan chức nước này mô tả việc giao dịch qua điện thoại di động không dùng tiền mặt là một trong "bốn phát minh mới xuất sắc thời hiện đại" của Trung Quốc, bên cạnh dịch vụ chia sẻ xe đạp, tàu hỏa tốc độ cao và thương mại điện tử. So sánh này dựa trên bốn phát minh lớn của Trung Quốc cổ đại là thuốc súng, nghề làm giấy, nghề in và la bàn.
Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự bùng nổ của thương mại điện tử, giúp Trung Quốc dễ dàng giữ vững vị thế "ông vua thương mại điện tử lĩnh vực bán lẻ". Trong ngày Lễ độc thân 11/11, tập đoàn Alibaba báo cáo doanh thu 25 tỷ USD trong 24 giờ, gấp gần bốn lần doanh thu bán hàng trực tuyến của cả hai dịp Black Friday và Cyber Monday gộp lại ở Mỹ.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn iResearch, giá trị thanh toán di động của bên thứ ba ở Trung Quốc đã tăng gấp ba lần lên 38.000 tỷ nhân dân tệ (5.700 tỷ USD) năm ngoái - gấp khoảng 50 lần so với thị trường Hoa Kỳ. Tất nhiên con số này được lý giải một phần bởi Trung Quốc là thị trường điện thoại di động hàng đầu thế giới bởi đây là nơi có nhiều người sử dụng hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với 710 triệu người (đông hơn cả Mỹ và Liên minh châu Âu cộng lại).

Gian hàng bán hải sản ở Bắc Kinh này chấp nhận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác nhau, bao gồm cả WeChat và Alipay. Ảnh: EPA
Giờ đây, nhiều người dân ở những vùng hẻo lánh - những người chưa bao giờ thấy thẻ tín dụng - cũng đang nhảy thẳng từ tiền giấy sang việc thanh toán bằng điện thoại di động. Tất cả đều cho rằng quá trình này an toàn và dễ dàng hơn so với cả thẻ tín dụng lẫn tiền mặt và các dữ liệu chính thức đã chứng minh ở Trung Quốc chỉ có 0,31 thẻ tín dụng trên bình quân một đầu người, so với 2,9 ở Mỹ.
Sự phổ biến của thanh toán di động đã làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người, trong đó có các nhà bán lẻ sản phẩm dịch vụ. Đối với các thương nhân hiện nay, việc quét mã QR trong mua bán đã là điều bắt buộc, thậm chí là các khu chợ nhỏ hay quầy hàng trên phố.
Một người bán hàng trên phố ở Thâm Quyến cho biết: "Hầu hết mọi người trả tiền bằng cách thanh toán qua di động. Điều này mang lại sự an toàn hơn cho tôi, khi không cần phải lo lắng về tiền giả hoặc các rắc rối khi đổi tiền lẻ. Nếu chỉ nhận tiền mặt, tôi sẽ mất hơn một nửa thu nhập hàng ngày".
Chủ hàng rau quả tại một khu chợ cá ở Quảng Châu nói rằng giờ rất hiếm khi thấy ai trông trẻ hơn 40 tuổi dùng tiền mặt: "Không có thanh toán qua di động, tôi không thể kinh doanh dù chỉ một ngày". Ông cũng nói thêm rằng ngày càng có nhiều người sinh trong ra những năm 50, 60 của thế kỷ trước cũng dần sử dụng điện thoại khi thanh toán.
Còn trên các mạng xã hội như WeChat hay Weibo cùng các nền tảng phát sóng trực tuyến, 15 triệu thương gia đã tạo dựng nên thị trường trị giá 360 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái với hầu hết các giao dịch mua hàng thông qua thanh toán di động.
Và không chỉ các thương gia nhỏ này, những người kinh doanh lớn như chủ siêu thị, công viên giải trí và chuỗi cửa hàng cũng đang quen dần với việc từ bỏ tiền mặt.
Sophie Yu, người điều hành một công viên giải trí trong nhà ở trung tâm Bắc Kinh cho biết: "Bây giờ chúng tôi chỉ còn thấy khoảng 3.500 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng), tương đương 15% doanh số bằng tiền mặt vào ngày cuối tuần".
Li Zhiguang, người sáng lập nhãn hiệu hàng may mặc và thể thao Looksee, có khoảng 300 chuỗi cửa hàng trên toàn quốc, cho biết, ông đã bị sốc vào đầu năm nay khi nhận ra các khoản thanh toán bằng tiền mặt tại một số cửa hàng đã giảm xuống còn 15% tổng doanh thu.
"Đó là một xu hướng bởi vì ngày càng có nhiều người tiêu dùng đang ở độ tuổi 20 và 30", ông nói. "Bây giờ ngay cả các đại lý ủy quyền của chúng tôi cũng không muốn sử dụng tiền mặt hay thẻ tín dụng cho những giao dịch lớn".
Hình thức thanh toán di động cũng đang vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc nhờ vào đội quân khách du lịch khổng lồ đang tràn ra khắp nơi trên thế giới. Bởi cách đơn giản nhất để kiếm tiền từ du khách Trung Quốc chính là chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã rất quen thuộc của đám đông này.

Một khách du lịch Trung Quốc, thanh toán bằng Alipay khi mua hàng tại Singapore. Ảnh: Xinhua.
Bên cạnh các lợi ích, sự phổ biến của việc thanh toán không dùng tiền cũng đe dọa tới hệ thống ngân hàng Trung Quốc vốn đang bị chi phối bởi nhà nước và các hệ thống thanh toán truyền thống. Chính quyền đã phải khởi động một loạt các biện pháp điều tiết để kiềm chế "đối thủ lớn" này. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra các quy tắc hạn chế số tiền có thể chuyển qua điện thoại di động và buộc các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phải kết nối với các tài khoản ngân hàng truyền thống.
Trong khi đó, China UnionPay - công ty phát hành thẻ từng làm mưa làm gió trước khi hình thức thanh toán qua di động trở nên phổ biến - ủng hộ nhà nước bằng cách đưa ra các giải pháp thanh toán cạnh tranh với Alipay của Alibaba và WeChat Payments của Tencent.
Guan Heng, CEO của Inspiry - một trong những nhà cung cấp thiết bị thanh toán di động hàng đầu của Trung Quốc - nói rằng ông "rất lạc quan" về sự tăng trưởng của thị trường và dự đoán số lượng cửa hàng và người mua chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng ít nhất 100% mỗi năm, cho đến năm 2020.
"Chúng tôi mong đợi có thể bán được gần 5 triệu đầu đọc mã vạch trong năm tới cho các thương gia ở cả hai thị trường đại lục và châu Á, gấp bảy hay tám lần so với năm nay", ông nói thêm rằng các nhà máy của hãng đã phải hoạt động suốt ngày đêm để đáp ứng nhu cầu.
Guan cho biết thành công ở Trung Quốc cũng tạo cảm hứng cho các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, nhưng nơi đang muốn bỏ qua kỷ nguyên thẻ tín dụng để chuyển sang thanh toán di động.
Tuy nhiên, có một số quan ngại về sự bùng nổ về loại hình thanh toán không dùng tiền mặt như viễn cảnh thống trị của các tập đoàn công nghệ khổng lồ hay nguy cơ lạm dụng, gian lận và trộm cắp dữ liệu trên hệ thống.
"Là một người bình thường và một doanh nhân, bây giờ tôi không thể sống mà không sử dụng việc thanh toán qua di động", Li nói. "Nhưng tôi cũng không biết rằng một xã hội không có tiền mặt sẽ chi phối cuộc sống của chúng ta như thế nào. Thật khủng khiếp khi tưởng tượng rằng tôi có thể mất tất cả mọi thứ nếu tài khoản kỹ thuật số của mình bị tấn công".