Anne, 33 tuổi, cố gắng kìm nước mắt khi mô tả cuộc sống của gia đình mình đã biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19. Từ chỗ kiếm được 22.000 HKD (hơn 2.800 USD) mỗi tháng bằng nghề thợ xây, người chồng 42 tuổi của cô hai tháng qua chỉ mang về nhà một nửa số tiền trên.
Tuần trước, anh đã tìm được việc làm nhưng Anne vẫn lo lắng về chi tiêu.
"Tôi cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách nấu bữa trưa cho anh ấy mang đi, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn", Anne, người đến từ thành phố Thâm Quyến và đang ở nhà chăm sóc con gái 4 tuổi, nói.
Gần đây, họ còn lo lắng vì một đồng nghiệp của chồng cô nhiễm nCoV. Dù chồng cô đã có kết quả âm tính, nỗi sợ vẫn còn đó. "Tôi sợ chồng tôi sẽ nhiễm nCoV. Tôi muốn anh ấy đi làm lại nhưng cũng lo lắng cho sức khoẻ của chồng", cô nói.
Hàng trăm nghìn gia đình thu nhập thấp ở Hong Kong bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch, khi thành phố đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ ba, khiến số ca nhiễm tăng lên hơn 3.000, với 27 ca tử vong, buộc chính quyền tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Ngày càng nhiều người thất nghiệp tìm tới các tổ chức từ thiện và nhà thờ Hong Kong xin hỗ trợ thực phẩm và nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội khiến những chương trình hỗ trợ người khó khăn phải giảm quy mô hoạt động.
Feeding Hong Kong, một tổ chức phi chính phủ thu thập thức ăn thừa từ các công ty thực phẩm để phân phát cho một mạng lưới từ thiện, cho hay một nửa trong số 40 đối tác tuyến đầu của họ đã phải giảm thiểu hoặc tạm ngừng hoạt động.
Tổ chức này đã khởi động một chương trình mới nhằm đóng gói và phân phát các túi đồ khô như gạo và đồ ăn đóng hộp đủ sử dụng trong hai tuần. Đến nay, Feeding Hong Kong đã phát được 14.000 túi, cùng 6.000 gói thực phẩm dành riêng cho người già. Vì những biện pháp phòng dịch, tổ chức này đã cắt giảm các ca làm việc tình nguyện và điều chỉnh phương thức phân phát đồ cứu trợ.
"Thách thức lớn nhất cho các tổ chức từ thiện tuyến đầu hiện nay là làm thế nào để phân phát thực phẩm đến các gia đình và cá nhân có nhu cầu một cách an toàn", Gabrielle Kirstein, giám đốc điều hành của Feeding Hong Kong, nói.
Trước nhu cầu gia tăng, Mạng lưới Vì người nghèo Giáo hội Hong Kong, với khoảng 700 đối tác, bao gồm các nhà thờ, trường học, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp, đã bắt đầu dịch vụ kết nối với các nhà hàng cung cấp bữa ăn nấu sẵn đến những người có thẻ hỗ trợ 30.000 HKD (3.870 USD).
Anne là một trong 80 người được giáo hội ở khu Phấn Lĩnh giúp đỡ. 3 lần một tuần, cô đưa thẻ đến một nhà hàng nhận cơm với đủ thức ăn cho bữa tối gia đình.
"Rất hữu ích, vì tôi có thể chi tiêu ít hơn và tiết kiệm thời gian chăm sóc con gái", cô nói.
Shirley, 64 tuổi, một người nhận hỗ trợ khác, cũng gặp khó khăn sau khi mất việc làm thêm thu ngân ở một siêu thị. Bà đang sống cùng con trai 33 tuổi, một nhân viên ngân hàng. Họ đã nhận được một số thực phẩm và khẩu trang, nhưng không nhận thêm được gì trong hai tuần nay.
"Tôi sợ khi số đồ này cạn kiệt, mình sẽ phải ra đường và tăng nguy cơ lây nhiễm", Shirley nói.
ImpactHK, một tổ chức từ thiện khác, đang thu hút rất đông người vô gia cư, nhân viên vệ sinh và người già xếp hàng nhận bữa ăn miễn phí. Trong số này có bà Lily, hơn 60 tuổi, một người vô gia cư 3 năm nay và ngủ trong công viên. Bà từng ngủ ở một cửa hàng McDonald nhưng Covid-19 đã khiến nơi này đóng cửa từ 18h đến 5h sáng.
Bà phụ thuộc vào các tổ chức từ thiện để có đồ ăn qua ngày. "Nếu tôi không nhận thực phẩm ở đây, tôi sẽ nhịn đói cả đêm", bà nói khi xếp hàng nhận mỳ chiên.
Tính đến cuối năm 2018, Hong Kong có gần 1.300 người vô gia cư, nhưng các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều, trong đó nhiều người sống chen chúc trong các "nhà quan tài" nhỏ xíu.
Jeff Rotmeyer, người sáng lập ImpactHK, cho biết số người vô gia cư tại đặc khu gần đây tăng mạnh. Họ bao gồm những người mất việc làm và không đủ khả năng thuê nhà.
Người thất nghiệp có thể nộp đơn vào chương trình Hỗ trợ An ninh Xã hội Toàn diện (CSSA) của Cơ quan Phúc lợi Xã hội để nhận hỗ trợ tiền mặt hàng tháng. Theo số liệu của chính quyền, khoảng 18.600 người đã nhận hỗ trợ của CSSA trong tháng 6, tăng 0,9% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, Peace Wong Wo-ping, quan chức thuộc Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hong Kong, cho hay chỉ 1/10 người thất nghiệp nộp đơn xin CSSA do sợ bị kỳ thị.
Ngoài khoản hỗ trợ tiền mặt 10.000 HKD (1.300 USD) cho tất cả cư dân trưởng thành, chính quyền Hong Kong còn tăng trợ cấp tiền thuê nhà tối đa trong 6 tháng, kể từ 1/7, với ước tính khoảng 40.000 hộ gia đình được hưởng lợi.
Tuy nhiên, nghị sĩ Fernando Cheung Chiu-hung của đảng Lao động, đồng thời là một nhân viên xã hội, cho rằng việc hỗ trợ cho những người thất nghiệp hoặc bị giảm giờ làm hiện chưa đủ.
"Thay vì cắt giảm các dịch vụ trợ cấp thực phẩm hoặc chăm sóc người già yếu, người khuyết tật tại nhà, chính quyền nên gia tăng các dịch vụ này", ông nói. "Những người thất nghiệp cũng có thể được tuyển dụng để giao bữa ăn tại nhà cho các gia đình nghèo và người già yếu."
Anh Ngọc (Theo SCMP)