Nghệ sĩ Tiến Đạt nâng niu bộ cơ của mình. Ảnh: V.B. |
Giờ đây, khi đã có phòng nghe với hệ thống âm thanh hoành tráng của riêng mình, anh vẫn trân trọng những kỷ niệm thời trai trẻ đam mê âm thanh. Anh bồi hồi, năm 15, 16 tuổi, đến nhà một người bạn ở khu Kim Liên nghe nhạc, nghe say sưa đến nỗi, xe đạp dựng ở ngoài cửa bị lấy mất bánh trước lúc nào mà không biết.
Người nghệ sĩ mê âm thanh này chơi đủ mọi loại đồ, từ đĩa than đến ampli đèn, từ đầu CD đến đầu video cổ điển mà anh cười giải thích, để bà xã xem phim. Tuy nhiên, không thể coi nhẹ bộ dàn của người máu chơi âm thanh từ những năm 80, thời mà máy cassette Hitachi 8080, hay đầu đĩa câm Teac Akai 46 D còn là vương giả.
Hiện tại, trong phòng nghe của anh chỉ có một đôi loa duy nhất, khá lớn, hiệu JM lab Vega đời đầu. Đôi loa này được làm tại châu Âu, mà theo tìm hiểu thì hiện ở Hà Nội chỉ có một đôi duy nhất. Những loa cùng tên của hãng này sau đó đều được sản xuất hàng loạt ở một nhà máy tại Hong Kong. Đầu CD Esoteric P1 từ những năm 90 được chủ nhân gửi gắm bạn bè ở nước ngoài mãi mới mua được. Đầu đĩa này nối với DAC Califonia Audiolab Sigma và một preampli đèn hàng hand-made từ Nhật Bản. Chủ nhân tự hào, preampli này chỉ có một tại Việt Nam. Ngoài preampli đèn hand-made, Tiến Đạt còn chơi ampli đèn khá gấu hiệu Air Tight ATM2 với 4 bóng KT88, hai bóng 12AU7, 12BH7 và 12AX7. Với bộ cơ đĩa than Micro Seiki, anh đã thay cartridge bằng đồ của Clear Audio. Anh tự hào cho biết, Mirco Seiki được mang từ Mỹ về, hiện "ở Việt Nam chỉ có 1 hoặc 2 cái là cùng".
Với ampli "hand-made" từ Nhật và ampli đèn Air Tight. Ảnh: V.B. |
Nghệ sĩ Tiến Đạt cho biết năm qua anh chơi khá ổn định, không đổi loa mà cũng chẳng thay ampli nào, tuy nhiên, anh vẫn ước nếu có khả năng thì sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống của mình. Còn hiện tại, anh tâm sự, "chỉ chú trọng vào nội dung mà thôi".
Anh nhận mình là người chơi nội dung chứ không thiên về thiết bị, mặc dù thiết bị đóng một phần quan trọng trong quá trình tái tạo âm thanh. Kho tư liệu của anh vô cùng phong phú, từ nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng, Jazz, rồi cả nhạc Pop. Phần lớn đều là đĩa than mà nghệ sĩ sưu tầm từ những chuyến công tác ở nước ngoài, một số là nhờ bạn bè mua hộ. Mặc dù nghe nhiều chất liệu khác nhau nhưng Tiến Đạt cho rằng mình cũng là người nghe khó tính, không thích nghe những bản nhạc quá trúc trắc mà cũng chẳng thể nghe nổi những bài quá đơn giản, dễ dãi. Người nghệ sĩ mê âm thanh này thích nghe Whitney Houston, Mariah Carey, Celion Dion, Elton John, những ca sỹ có chất giọng ấm áp, truyền cảm, lại đầy tính kỹ thuật. "Nghe những ca sỹ này hát, tôi như sống lại thời trai trẻ của mình", anh tâm sự.
Anh nâng niu từng chiếc đĩa than. Ảnh: V.B. |
Anh trao đổi một cách thân tình, mỗi người có một vị nghe khác nhau, không ai giống ai, nhưng để đạt được trình độ tự thẩm định thì mình phải học hỏi. Tiến Đạt cho biết anh học rất nhiều từ bạn bè, từ các trang web và bản thân anh cũng đã phải trả tiền học phí rất nhiều. Anh trầm ngâm, những bước thăng trầm trên con đường chơi âm thanh mới làm cho người chơi biết được giá trị của bộ dàn mình đang sử dụng.
Nghệ sĩ Tiến Đạt mở hộc tủ đựng đĩa, từng chiếc đĩa được gói gém gọn gàng trong vỏ đĩa bằng bìa dày. Anh nâng niu từng đĩa một, lấy ra lau, đặt vào khay quay đĩa, nghe một lúc rồi lại lau rồi cất đi. Rất nhẹ nhàng, như người mẹ nâng niu những đứa con.
Thanh Vân