Stepanova (34 tuổi) hiện sống tại một thị trấn nhỏ ở thành phố Yekaterinburg. Cô có hai con trai, một 5 tuổi và một mới sinh. Cả gia đình sống dựa vào thu nhập 50.000 ruble (550 USD) của người chồng Sergei. Mỗi lần đến cửa hàng, Stepanova phải nhìn kỹ giá từng món đồ để cân nhắc.
"Tôi nhận thấy mọi thứ đều đắt đỏ hơn trong 5 năm qua. Trước đây, bạn có thể mua thực phẩm cho 3-4 ngày chỉ với giá 1.000 ruble. Nhưng hiện tại, chừng đó tiền chẳng mua được mấy, chỉ loanh quanh đồ ăn hàng ngày như sữa, sữa chua, bánh mỳ. Thế thôi. 1.000 ruble của bạn đã bốc hơi rồi", Stepanova cho biết trên Reuters.
Sữa cho trẻ em cũng tăng giá gấp 4 lần trong 5 năm qua kể từ khi cô sinh bé đầu tiên. Giá xe đẩy cũng tăng gấp 3 lên 60.000 ruble. Giá bỉm và đồ ăn cho em bé cũng tăng ít nhất gấp đôi.
Trong khi đó, thu nhập của gia đình gần như không tăng. Đồng ruble thì liên tục mất giá so với USD kể từ tháng 2/2022, khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ruble yếu khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ.
"Chúng tôi không còn tiền chi cho những thứ không thiết yếu. Dĩ nhiên bạn vẫn có thể sống thiếu chúng. Chỉ là cuộc sống bớt vui đi thôi", Stepanova cho biết.
Nhà Stepanov chỉ là một trong hàng triệu gia đình Nga phải cắt giảm chi tiêu vì các thay đổi lớn với kinh tế Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Sergey Shagaev, tài xế 49 tuổi ở thành phố Saransk, cách Mokva khoảng 640 km về phía Đông Nam, cho biết gia đình ông phải giảm ăn thịt và nghỉ mát. "Chi cho thực phẩm và nhà ở là hết tiền rồi. Những người tôi quen biết đều đang nghèo đi", ông nói trên WSJ.
Trước đây, gia đình Sergey Shagaev thường đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ hai lần một năm. "Nhưng giờ chúng tôi đã quên mất Thổ Nhĩ Kỳ ở đâu rồi", ông nói vui.
Theo khảo sát hồi tháng 7 của công ty nghiên cứu Romir, 20% người Nga được hỏi có kế hoạch giảm chi tiêu cho thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Khoảng 28% đang tìm việc làm thêm.
Ruble trượt giá, chi tiêu quân sự bùng nổ và tình trạng thiếu lao động dai dẳng là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao những tháng gần đây. Lạm phát của nước này năm ngoái là 11,9% và năm nay được dự báo vào khoảng 7-7,5%.
Phương Tây đã áp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất lên Nga sau xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, đến nay, kinh tế Nga vẫn chưa sụp đổ như các cảnh báo ban đầu.
Họ vẫn đang bán dầu thô và khí đốt ra toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Nga tăng trưởng 2,2% năm nay - nhanh hơn Mỹ và khu vực đồng euro. Dù vậy, tăng trưởng năm sau lại bị hạ về 1,1%.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền năm 1999, GDP Nga chỉ là 210 tỷ USD. Nhưng đến năm 2013, con số này đã là 2.300 tỷ USD. Năm ngoái, quy mô nền kinh tế Nga đạt 2.200 tỷ USD.
Dù vậy trên Reuters, nhà kinh tế học người Nga Igor Lipits cho biết lương tối thiểu tại đây đang chững lại và sức khỏe nền kinh tế cũng đang đi xuống. "Phần lớn dân số Nga đang có mức lương rất thấp", ông nói.
Tại một chợ thực phẩm ở St Petersburg, Lyudmila cho biết cô và các bạn phải tìm cách cắt giảm chi tiêu và tìm hàng giảm giá. "Chúng tôi đâu có lựa chọn nào khác. Phải tìm cách xoay xở thôi", cô nói.
Dmitriy, lập trình viên 25 tuổi sống tại St. Petersburg, nói rằng giá cả của quần áo hiệu, ôtô và đồ điện tử đã tăng mạnh do ruble mất giá. Trái lại, thu nhập của anh không thay đổi. "Nếu ruble tiếp tục giảm giá, có lẽ tôi sẽ nghĩ đến việc làm từ xa để nhận ngoại tệ hoặc chuyển đến châu Âu," anh nói.
Để giải quyết việc ruble yếu và lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất cơ bản từ 8,5% lên 12% hồi tháng 8. Tháng 9, họ tiếp tục nâng lên 13% và cuối tháng 10 tăng lên 15%.
Cơ quan này cho rằng Nga sẽ cần trải qua thời gian dài "thắt chặt tiền tệ" để đưa lạm phát về mục tiêu 4%. Dù vậy, trên TASS, Thống đốc Elvira Nabiullina khẳng định họ có đủ công cụ hiệu quả để làm điều này.
Bà cho rằng lạm phát hiện tại là do mất cân bằng cung - cầu trong nước. Nhu cầu đang tăng, nhưng nguồn cung lại hạn chế, khiến giá cả tăng theo.
Trên New York Times, nhà kinh tế học Dmitri Polevoy cũng cho biết bất chấp lãi suất cao, kinh tế Nga không đối mặt với rủi ro lớn nào. "Câu chuyện chỉ xoay quanh vấn đề lạm phát thôi. Với ngân sách hiện tại và tình hình bên ngoài không thay đổi, rủi ro suy thoái là rất thấp", ông nói.
Hà Thu (theo Reuters)