Nhà Zorkin, đều tuổi ngoài 20, đã bắt đầu gửi tiền vào một tài khoản tiết kiệm bằng đồng rúp từ đầu năm 2013 với hy vọng có thể mua được một căn hộ. Xuất thân từ vùng Saransk, cách Moscow hơn 600 km về phía đông, họ đến và ở nhà thuê và vì thế không được công nhận là công dân thủ đô. Nếu mua được một căn hộ, họ có quyền đăng ký cho con đi học trường công và đi bệnh viện công mỗi khi đau ốm.
Trong hai năm qua, họ đã tiết kiệm được khoảng 800.000 rúp (khoảng $ 13,000) và chuẩn bị nộp tiền đặt cọc mua nhà, rồi sau đó dự định chuyển đến ở vào mùa xuân tới. Đột nhiên, khi giá đồng rúp bắt đầu giảm và ngân hàng trung ương tăng nhanh lãi suất, họ quyết định sẽ vay tiền để nộp trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, vì các thủ tục hành chính chậm trễ, họ đã nộp đơn không đúng thời hạn. Và giờ đây họ đang chứng kiến tiền tiết kiệm bốc hơi khi đồng rúp trượt giá. Một cú sốc 6,5 phần trăm tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Nga công bố tuần trước dường như không giúp nhà Zorkin. Ngay cả mức lãi suất mới 17% cũng không đủ khả năng bảo vệ tiền tiết kiệm của họ, bởi giá đồng rúp giảm nhanh hơn bất cứ lúc nào kể từ năm 1998 khi cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến việc Nga vỡ nợ.
“Khi tôi đến các ngân hàng, họ nói với tôi rằng họ đã hoãn các khoản vay thế chấp cho đến năm 2015”, Zorkina nói. "Một vài ngày trước, chúng tôi nghĩ về việc mua ngoại tệ, nhưng sự khác biệt giữa giá mua và giá bán quá cao, mà chúng tôi không thể rút tiền từ máy ATM. Vì vậy, tiền tiết kiệm của chúng tôi đang bị kẹt trong ngân hàng, bằng đồng rúp, và chúng tôi không thể sử dụng được”.
Những ký ức về năm 1998 vẫn còn hiện hữu với các cư dân của thành phố, họ cảm thấy bất lực khi một cuộc khủng hoảng đáng sợ nhưng quen thuộc sắp diễn ra. Rúp Nga đã mất giá 55 phần trăm so với USD kể từ đầu năm đến nay, do các tác động của giá dầu giảm mạnh và biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow vì khủng hoảng Ukraina. Riêng trong ngày 16/12, đồng rúp giảm gần 20%, sự giảm sút mạnh mẽ nhất kể từ 16 năm qua.
Khi niềm tin trong các tổ chức tài chính của Nga bị xói mòn, những dấu hiệu đầu tiên của sự mất kiểm soát đang nổi lên ở Moscow. Mọi người lao đi mua sắm, từ các mặt hàng xa xỉ như điện tử đến xe hơi và nhà đất, đề phòng đồng tiền xuống giá hơn nữa.
Nhân viên tại các chi nhánh ở Moscow của Know How, một chuỗi bán các phụ kiện điện thoại, cho biết họ đã nhận thấy một sự gia tăng đáng kể lưu lượng giao thông. Họ không xác định được việc này là do kỳ nghỉ đang đến gần hay do mọi người đổ đi mua sắm. Đợt mua hàng bùng phát hôm thứ tư vừa rồi có giảm đi đôi chút khi tỷ giá ổn định.
"Chúng tôi phản ứng với những thay đổi về giá trị của đồng rúp gần như ngay lập tức," một nhân viên không nêu tên cho biết. Cô đã thay đổi niêm yết giá bán các sản phẩm 6 lần một ngày trong hôm trước đó.
Các ngân hàng trên khắp thủ đô trải qua những ngày bận rộn hơn bao giờ hết. Tại chi nhánh của công ty tín dụng nhà nước Sberbank, khách hàng đòi mua ngoại tệ euro hoặc đôla Mỹ, hoặc rút hết tiết kiệm bằng rúp ra ngay khi có thể. Một số chi nhánh lớn vẫn bán USD, nhưng các văn phòng nhỏ dừng việc này và yêu cầu khách đến các chi nhánh lớn.
Tại một chi nhánh trên phố Novy Arbat, các nhân viên đang cố gắng trấn an khách hàng thiếu kiên nhẫn, hứa hẹn sẽ phục vụ tất cả những người chờ đợi để bán tiền rúp. Những khoản trên $10,000 thì phải có yêu cầu từ trước, nhưng hầu hết những người đang chờ đổi tiền cho biết họ chỉ đổi một lượng nhỏ để phòng ngưà.
Bầu không khí này cho thấy sự lo lắng của dân chúng so với hồi tháng 9, khi tỷ giá bắt đầu giảm, và ngay cả vào ngày 1/12, khi nó đi xuống thêm 8%, hầu hết mọi người ở thủ đô vẫn thông cảm với chính phủ. Tuy nhiên bất chấp sự náo động ở các cửa hàng, nhiều người Nga vẫn có các quan điểm rất khác nhau.
Lyubov Seergeva, 63 tuổi, quyết định rút sạch khoản tiền định giá bằng đôla trong quỹ hưu trí của bà và đi mua hàng ngay khi giá còn chịu được. “Tôi lo sợ nếu phải giữ tiết kiệm bằng đôla. Tôi không tin đô la. Tôi tin vào rúp”, bà nói và thêm rằng các thiết bị nhà bếp có thể giữ giá tốt hơn tiền tệ.
Được hỏi liệu bà có nên lo ngại rằng quyết định chuyển từ đôla sang rúp là sai lầm không, bà bác bỏ ý nghĩ về một cuộc khủng hoảng kinh tế. “Lương hưu hàng tháng của tôi là 50.000 rúp. Món tiền ấy hẳn sẽ không biến thành 50 USD chứ? Chính phủ của chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra. Chúng tôi đã sống qua những lúc khó khăn hơn nhiều, như năm 1998 chẳng hạn. Thời đó không quay lại đâu, tôi đảm bảo thế đấy”.
Chính phủ Nga mà bà Seergeva tin tưởng cũng đang loay hoay đối mặt với kinh tế. Giá dầu, tài sản lớn nhất của nước Nga và chỗ dựa cho ngân sách, rơi xuống dưới mức 60 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trước sự đe dọa trừng phạt bổ sung từ Mỹ và Nga, các nhà đầu tư e rằng Moscow sẽ áp đặt lệnh kiểm soát dòng vốn chảy ra ngoài, để ngăn nguy cơ sụp đổ của rúp.
“Tình hình là nghiêm trọng. Thậm chí ngay cả trong những cơn ác mộng cách đây một năm, chúng tôi cũng không thể tưởng tượng điều như đang diễn ra bây giờ”, Sergey Shvetsov, phó chủ tịch ngân hàng trung ương Nga, phát biểu trên một nhật báo kinh doanh nước này.
Trong khi đó, vợ chồng nhà Zorkin đang bối rối không biết làm cách nào để món tiền tiết kiệm khó khăn lắm mới có được của họ khỏi bị bốc hơi. Cũng như nhiều người Moscow, họ buộc phải ngồi chờ và nuôi hy vọng.
“Chúng tôi không biết làm gì bây giờ. Chúng tôi không có kế hoạch nào cả, thành thực mà nói là thế đấy. Tôi cầu khấn đừng có vỡ nợ. Mất chỗ tiền này sẽ là thảm họa cho chúng tôi, chị Zorkina nói.
Trọng Nghĩa – Ánh Dương (theo Aljazeera)