Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/2 ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR) tự xưng, hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine.
Động thái này đã tạo nên một làn sóng lo ngại trên toàn châu Âu về khả năng Nga sẽ dùng đây làm cái cớ để tiến đánh Ukraine, như những gì phương Tây cảnh báo suốt thời gian qua.
Bất chấp tâm lý hoang mang đó ở phương Tây, tại Nga, nhiều gương mặt chính trị, người có ảnh hưởng vẫn ủng hộ Tổng thống Putin.
Báo chí và các nhà bình luận thân chính phủ liên tục ca ngợi sắc lệnh. Margarita Simonyan, tổng biên tập mạng tin tức nhà nước Nga RT, gọi sắc lệnh của Tổng thống Putin là "quyết định được mong chờ từ lâu".
"Chúc mừng sinh nhật, Donbass", bà viết trên mạng xã hội Telegram.
"Hạnh phúc không nằm ở đồng euro, các chàng trai!" Olga Skabeeva, người dẫn chương trình kênh truyền hình Russia 1 viết trên Telegram khi giá đồng ruble giảm so với euro. "Thế giới Nga và nhân dân Nga muôn năm!".
Phóng viên chiến trường Alexander Kots từ tờ Komsomolskaya Pravda và kênh YouTube WarGonzo của Semyon Pegov đăng video người dân Donbass bắn pháo hoa và vẫy cờ Nga ăn mừng, bày tỏ hy vọng rằng hành động công nhận của Nga sẽ xua tan bóng ma xung đột đã đeo bám họ suốt 8 năm qua.
Việc Tổng thống Putin công nhận độc lập hai khu vực ly khai ở Ukraine "không tạo ra một cuộc chiến tranh mà giúp kết thúc 8 năm địa ngục và mọi người nên hạnh phúc", nhà báo Oleg Kashin viết trên Telegram.
Một số người dân Nga bình thường cũng ủng hộ chính phủ, trong đó có Artur, 60 tuổi, đến từ Saint Petersburg.
"Công nhận là bước đi đúng đắn, nhưng lẽ ra phải được thực hiện từ trước, hoặc thậm chí tốt hơn là vào năm 2014", ông nói. "Người Ukraine đã trì hoãn dàn xếp hòa bình trong 8 năm và bây giờ họ đã thấy kết quả phù hợp cho những hành động của mình. Nga dù sao cũng vẫn bị đe dọa áp các lệnh trừng phạt mới, vậy nên tôi nghĩ họ đã có hành động đúng đắn trong tình huống này".
"Tôi nghĩ đấy là một quyết định đúng đắn", Nikolai Sergeevich, 32 tuổi, doanh nhân đến từ Mordovia, nói thêm. "Chúng ta có thể chịu thiệt hại chút ít về kinh tế, nhưng người dân ở đó cuối cùng sẽ được hòa bình và yên ổn. họ sẽ có thể giao thương, ít nhất là với các quốc gia công nhận họ. Tôi nghĩ Ukraine nên rút quân và ngồi vào bàn đàm phán. Họ ném bom Donetsk 7 năm rồi, đã đến lúc mọi chuyện dừng lại".
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những người cảm thấy bất an, lo lắng về diễn biến có thể xảy ra tiếp theo.
Truyền thông Nga liên tục trấn an khán giả rằng chiến tranh sẽ không nổ ra. Ngay cả trong số những người phản đối Tổng thống Putin, nguy cơ về một cuộc chiến toàn diện với quốc gia láng giềng Ukraine, nơi họ có nhiều bạn bè và người thân, vẫn là điều không tưởng vào vài ngày trước.
Nhưng hiện giờ, với không ít người, viễn cảnh chiến tranh có vẻ gần hơn.
"Những gì đang xảy ra là một thảm kịch, sẽ tạo ra vực sâu thăm thẳm giữa hai dân tộc anh em chúng ta", Lyudmila Basok, 80 tuổi, đến từ Saint Petersburg, nói.
Alexey Krapukhin, thành viên hội đồng khu vực của đảng tự do Yabloko ở Moskva, cho rằng quyết định của Tổng thống Putin công nhận độc lập với LNR và DPR sẽ đẩy Nga vào khủng hoảng xã hội, tài chính cũng như chính trị.
Thông báo của Tổng thống Putin đã khiến đồng ruble lao dốc và khiến các thị trường chứng khoán chao đảo. "Chúng ta đã nhìn thấy đà giảm của thị trường. Mọi người Nga đều sẽ cảm nhận được hậu quả của quyết định này. Chưa bao giờ nước Nga lại tiến đến gần một cuộc chiến tranh tổng lực như vậy", Krapukhin nhấn mạnh.
Quyết định ông chủ Điện Kremlin đánh dấu một bước thay đổi đáng kể so với chính sách thông thường của Nga. Trước đây, giống như tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc khác, Moskva đã từ chối công nhận độc lập cho những khu vực ly khai. Thậm chí trong những tuần trước, giới chức Nga còn nói rằng một động thái như vậy là quá khiêu khích.
Nhưng khi căng thẳng giữa Moskva và phương Tây gia tăng, Tổng thống Putin, ngày càng thất vọng với Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã ký sắc lệnh.
Nga yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine và được cho là điều khoảng 150.000 quân đến gần biên giới nước láng giềng, làm dấy lên lo ngại chiến tranh. Putin và các quan chức của ông phủ nhận đang lên kế hoạch động binh, tuyên bố Nga có quyền điều binh sĩ và thiết bị quân sự đến bất kỳ đâu trong biên giới đất nước như một hành động tự vệ.
Taisia Bekbulatova, tổng biên tập tạp chí điện tử Kholod, cho rằng nhiều người Nga hiện cảm thấy "lo sợ và bất lực" trước tình hình xoay quanh Ukraine.
"Không ít người quen của tôi thấy hoang mang trước viễn cảnh chiến tranh với Ukraine", luật sư Nikolai Kavkazsky cho hay. "Chiến tranh sẽ là thảm họa với tất cả chúng ta".
Xem thêm:
- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
- Trừng phạt của phương Tây có làm khó Putin?
- Năm câu hỏi sau khi Putin công nhận vùng ly khai Ukraine
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)