Ảnh vệ tinh do công ty công nghệ Maxar Technologies có trụ sở tại Mỹ chụp ngày 23/9 cho thấy các phương tiện đang xếp hàng dài gần biên giới Nga với Mông Cổ. Hàng nghìn người Nga được cho là đã sang Mông Cổ để tránh tòng quân, sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát lệnh động viên một phần.
Aleksey, một công nhân xây dựng người Nga mới đến trọ tại nhà nghỉ của Suren Bat-Tur ở thủ đô Ulaanbaatar, cho biết anh tới Mông Cổ từ cuối tuần trước, để lại vợ và ba người con ở nhà. Aleksey đến biên giới Mông Cổ vào đêm muộn trên chuyến xe buýt chở đầy những người Nga trẻ tuổi khác.
"Chúng tôi không sợ hãi, nhưng tại sao chúng tôi phải tới chiến đấu ở Ukraine?", Aleksey giải thích về lý do anh rời nước Nga. "Nếu các nước khác tấn công Nga, chúng tôi sẽ chiến đấu vì đất nước. Nhưng lý do gì chúng tôi phải tới Ukraine? Vì cái gì?".
Người đàn ông 40 tuổi này dự định ở lại Mông Cổ tới khi tình hình ở Nga ổn hơn. Aleksey cũng chia sẻ sẽ làm bất cứ điều gì để tránh phải ra mặt trận tham chiến.
Tại cửa khẩu biên giới ở Kyakhta, tỉnh Buryatia thuộc Nga, nhiều người cho biết họ phải xếp hàng nhiều giờ, song không còn lựa chọn nào khác.
"Đất nước của tôi đã bắt đầu thực hiện lệnh động viên một phần và tôi không nghĩ nó mang lại tác động tích cực tới xã hội", một người Nga chờ xuất cảnh sang Mông Cổ nói. "Chúng tôi đã đợi khoảng 16 giờ ở biên giới".
Suren Bat-Tur, chủ nhà nghỉ ở Ulaanbaatar, đã giúp một số người bạn ở Buryatia tới trú ngụ để tránh phải tòng quân. Nhà nghỉ bình dân của Bat-Tur gần đây chật kín khách Nga kể từ khi nước này phát lệnh động viên.
"Tôi muốn giúp họ, điều đó thật khó khăn. Họ bây giờ đang tìm kiếm công việc trong lĩnh vực xây dựng hoặc nông nghiệp để có việc làm trong thời gian ở đây", Bat-Tur chia sẻ.
Mông Cổ vẫn giữ quan điểm trung lập trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Quốc gia này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào dầu khí Nga và có thể hưởng lợi từ đường ống dẫn khí đốt Nga dự định xây dựng tại đây.
Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh tháng trước gặp người đồng cấp Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Samarkand để thảo luận về kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt, dự kiến hoàn thành trong hai năm.
Tổng thống Putin hôm 21/9 phát lệnh "động viên một phần", triệu tập lực lượng dự bị khoảng 300.000 người chủ yếu là quân nhân giải ngũ, có chuyên môn và kinh nghiệm quân sự. Đây là lần đầu tiên Nga ban bố lệnh động viên quân kể từ sau Thế chiến II.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó thông báo các đối tượng được miễn trừ lệnh động viên, trong đó có nhân sự công nghệ, ngân hàng và nhà báo. Tổng thống Putin cũng ký lệnh miễn quân dịch cho sinh viên đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng nghề quốc gia.
Điện Kremlin thừa nhận quá trình tuyển quân theo lệnh động viên vẫn tồn tại một số bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, Nga tuyên bố không có kế hoạch đóng biên hay ban bố thiết quân luật ở một số khu vực biên giới.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo không áp đặt bất cứ hạn chế nào với hoạt động di chuyển của công dân liên quan đến lệnh động viên một phần. Cơ quan này hôm qua tuyên bố "chưa gửi bất kỳ yêu cầu nào tới chính quyền Kazakhstan, Gruzia hay các quốc gia khác để buộc công dân Nga phải trở lại đất nước và cũng không có kế hoạch làm như vậy".
Ngọc Ánh (Theo Reuters)