Sau gần 3 tuần làm việc tại Sài Gòn, Hội An, Ninh Bình, Lương Sơn, đoàn làm phim đã bắt đầu triển khai kế hoạch dựng cảnh tại Hà Nội, hối hả sửa sang hai ngôi nhà ở phố Hàng Mã. Để tạo được vẻ cổ kính, nhà được ép gỗ, phun sơn, rồi xịt một lớp bụi đen lên bề mặt, tạo vẻ tự nhiên. Bà Hiền chủ nhà số 91 cho biết, bà đã phải dọn gian hàng của mình sang nhà đối diện từ hôm 26/2, số tiền đền bù mỗi ngày là 300.000 đồng: "Ban đầu tôi chỉ nghĩ người ta lấy nhà mình quay chứ đâu có biết họ làm lớn như thế. Họ sửa sang suốt ngày, tối đến có công an gác". Những năm 1957, 1958, đã có một bộ phim Người Mỹ trầm lặng ra đời nhưng bị chính quyền Mỹ Diệm cấm với lý do hình ảnh Phượng hiện lên méo mó, không tiêu biểu cho người Việt lúc bấy giờ. Ở bộ phim lần này, kịch bản mở đầu bằng cảnh quay ở sông Hàn, chiếc thuyền chài vớt được xác nhân vật Pyle, tiếp đó là đoạn hồi tưởng của nhà báo. Bối cảnh chính thể hiện ở Hà Nội là ngôi nhà 2 tầng, tầng dưới là quán cà phê, tầng trên là nơi ở trọ của nhà báo Fowler. VnExpress sẽ giới thiệu toàn văn tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng của tác giả Graham Green bản tiếng Việt tại trang Sách, mời các bạn đón đọc. Trước khi đến Hà Nội, đoàn làm phim đã làm việc tại các nơi được chọn quay với cường độ 12 tiếng một ngày. Có khoảng 100 người Việt tham gia làm phim: Hãng phim Giải Phóng (TP HCM), Hãng phim truyện Việt Nam và dân "tự do". Đoàn làm phim chia thành 2 nhóm, đạo diễn Đặng Nhật Minh phụ trách nhóm thứ hai có nhiệm vụ quay bổ sung cho nhóm của đạo diễn Phillip Noyce. Vương Đức và Vinh Sơn đi theo trợ giúp kiêm học việc cho đạo diễn chính. Phillip Noyce sẽ quan sát hiện trường qua màn hình và Vinh Sơn là người phụ trách màn hình đó. Từ 7 đến 10/3, khoảng 200 diễn viên quần chúng ở Ninh Bình đã vào vai những người tản cư, lính Tây hành quân trong thời tiết rét ngọt và mưa dầm. Tuy nhiên, các kỹ xảo điện ảnh sẽ xóa sạch màn mưa. Có một bộ phận quay quang cảnh làm phim. Đạo diễn Phillip Noyce nói rằng, họ làm việc đó không phải giữ làm kỷ niệm mà để phát hành, bởi vì đây là một phim đặc biệt và các phim Mỹ cũng thường làm như thế. Chuyện phim diễn ra ở Sài Gòn thập niên 50 nhưng đạo diễn Phillip Noyce cảm nhận phố cổ Hà Nội có lẽ gợi lại hình ảnh Sài Gòn xưa hơn là chính nó. Bí mật hậu trường được coi là giấu kín nhất: chuyện cát-xê. Không có ai khẳng định được Mai Hoa và Hải Yến được nhận bao nhiêu. Tuy nhiên con số chính xác nhất là bản quyền cho bài hát Suối mơ của Văn Cao là 1.000.000 đồng. Bà Nghiêm Thúy Băng - vợ cố nhạc sĩ Văn Cao cho rằng đoàn làm như vậy là "kín kẽ". Theo quan sát của giới chuyên môn thì Mai Hoa khởi đầu vai diễn thuận lợi hơn cả, Hải Yến vẫn là chủ đề bàn tán nhiều. Mọi người ít bàn tán về diễn xuất mà chỉ quan tâm vào cát-xê và chuyện tình của cô được công khai với Quang Hải (diễn viên sẽ đóng vai tướng Trịnh Minh Thế trong phim). Theo dự tính, đến 5/5 bộ phim được hoàn thành. Nhóm quay của đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận xét kịch bản phim thật sự hay và Sài Gòn, Hà Nội, Hội An hiện lên tuyệt vời. Hải Anh. |