Khi thế giới trải qua nhiều năm lạm phát cao, biến động địa chính trị và một số nước rơi vào suy thoái, kinh tế Mỹ vẫn vững vàng. Nguyên nhân là tiêu dùng - lĩnh vực đóng góp 70% GDP - vẫn sôi động.
Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy người Mỹ đang giảm chi tiêu. Đây là viễn cảnh đáng sợ với các nhà kinh tế học.
Tuần trước, CEO Bank of America Brian Moynihan cho biết thanh toán qua thẻ tín dụng, séc và rút tiền từ thẻ ATM chỉ cao hơn 3,5% so với năm ngoái. Mức tăng của cùng kỳ năm trước đó là 10%.
"Hành vi của khách hàng có mối quan hệ chặt chẽ với tình hình kinh tế. Họ muốn gửi đi tín hiệu rằng mình đang thận trọng, giảm chi tiêu", Moynihan cho biết tại một diễn đàn tài chính ở New York. Ông nhấn mạnh cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của họ đều giảm chi.
Một khảo sát gần đây của hãng kiểm toán hàng đầu thế giới KPMG cũng chỉ ra xu hướng tương tự. Trong khi phần lớn người dân lạc quan về tình hình tài chính cá nhân, họ lo lắng về triển vọng của kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, 14% người được khảo sát cho biết dùng các dịch vụ mua trước, thanh toán sau. 65% nói kế hoạch mua hàng giảm giá nhiều hơn. Trong số này, một nửa có thu nhập 200.000 USD một năm trở lên.
Trên CNN, Peter Torrente - lãnh đạo các thị trường vốn tại KPMG cho biết người tiêu dùng đang đánh giá nền kinh tế qua lăng kính lạm phát. Điều này tác động đến mọi mặt trong cuộc sống hàng ngày của họ.
"Vì thế, thu nhập ở mức nào, người tiêu dùng vẫn muốn mua hàng giảm giá nhiều hơn trong năm tới, bất chấp thị trường lao động và tài chính cá nhân vẫn ổn", ông giải thích.
Khảo sát của KMPG cũng chỉ ra 75% người được hỏi không tin rằng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất sẽ cải thiện tình hình tài chính của họ. Điều này cho thấy chỉ nhà đầu tư quan tâm nhiều đến động thái của Fed, còn người tiêu dùng thì không hứng thú như vậy.
Các hãng bán lẻ nổi tiếng với giá rẻ cũng nhận ra khách hàng thu nhập cao đến với họ ngày một nhiều. Hồi tháng 2, Giám đốc Tài chính hãng bán lẻ Walmart John David Rainey cho biết nhóm khách hàng có thu nhập hơn 100.000 USD một năm đóng góp lớn nhất trong việc giúp hãng tăng thị phần quý cuối năm ngoái.
Đến tháng 3, CEO Dollar Tree Rick Dreiling cho biết chuỗi cửa hàng giảm giá này vẫn thu hút thêm các khách hàng mới, thu nhập cao. Trong 3,4 triệu khách hàng mới năm 2023, hầu hết có thu nhập 125.000 USD trở lên.
Xu hướng chọn mua đồ rẻ để tiết kiệm tiền xuất hiện trong đại dịch. Tuy nhiên, sang năm 2022, nhu cầu sản phẩm giá rẻ với người thu nhập trung bình và trung bình cao giảm xuống. Một năm qua, xu hướng này lại bùng lên, theo hãng phân tích tiêu dùng Morning Consult.
Một phần lý do là người tiêu dùng vật lộn với các chi phí thiết yếu, nên muốn thu nhập của mình mua được nhiều đồ nhất có thể. Ngay sau khi đại dịch ập đến và nguồn cung hàng thiết yếu đứt gãy, nền kinh tế đối diện với lạm phát.
"Các thách thức ập đến liên tiếp khiến người dân phải tìm đến các cửa hàng giá rẻ", MaryEllen Lynch - Giám đốc hãng nghiên cứu xu hướng tiêu dùng Circana cho biết trên MarketWatch.
Lạm phát cao đang bóp nghẹt tiêu dùng, khiến loạt hãng bán lẻ gần đây phải hạ giá sản phẩm. Cuối tháng 5, hệ thống cửa hàng thực phẩm Amazon Fresh (thuộc Amazon) thông báo mỗi ngày sẽ giảm giá tới 30% với 4.000 mặt hàng, áp dụng mua tại cửa hàng và trực tuyến.
Trước đó, Target và Walmart cũng hạ giá hàng nghìn sản phẩm, nhằm giúp người tiêu dùng "tiết kiệm hàng triệu USD". Các thương hiệu nước ngoài, như Ikea hay Aldi cũng phải giảm giá với hàng trăm mặt hàng.
Một năm qua, người Mỹ bắt đầu giảm chi, khi giá cả tăng 20-30% so với 3 năm trước. Trong khi đó, thu nhập lại không theo kịp, Sarah Wyeth - Giám đốc nghiên cứu bán lẻ và tiêu dùng tại S&P Global Ratings nhận định. Doanh số bán lẻ gần như đứng yên trong tháng 4, cho thấy tiêu dùng tại đây đang dần mất đà.
Hà Thu (theo CNN, MarketWatch)