Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Forrester, dự kiến đến năm 2021, các robot sẽ chiếm khoảng 6% tất cả việc làm ở Mỹ, bắt đầu ở phân khúc dịch vụ khách hàng, sau đó lan sang tài xế vận tải hàng hóa và taxi.
Robot hoặc các nhân viên ảo dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) có đủ khả năng hiểu được hành vi con người và tự đưa ra quyết định thay thế. Những trợ lý công nghệ ảo đã xuất hiện khá nhiều như Alexa, Cortana, Siri và Google Now hay chatbot và hệ thống robot tự động.
Hiện tại, công nghệ ứng dụng còn khá đơn giản nhưng trong vòng 5 năm tới với sự tiến bộ vượt bậc của AI, trợ lý ảo hoàn toàn giải quyết được nhiều tình huống phức tạp hơn, ví dụ như các loại xe hơi tự lái trên đường. Các robot rất hữu ích cho các công ty đang tìm cách cắt giảm chi phí, nhưng đồng thời cũng tạo sức ép không nhỏ đến người lao động.
"Đến năm 2021 chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến làn sóng robot thâm nhập đời sống thường ngày. Những giải pháp công nghệ AI với nhận thức tư duy như con người sẽ dần thay thế nhân sự ở lĩnh vực giao thông vận tải, hậu cần, dịch vụ khách hàng và dịch vụ tiêu dùng", ông Brian Hopkins - chuyên gia phân tích của Forrester chia sẻ.
Tuy nhiên, có một thực tế, viễn cảnh này đã hiển hiện trước mắt khi 45% công dân tại Mỹ cho biết họ đang sử dụng ít nhất một trợ lý ảo. Những trợ lý này biết cách truy cập lịch làm việc, tài khoản email, lịch sử duyệt web, danh sách nhạc, lịch sử mua hàng và giải trí đa phương tiện, nắm rõ sở thích cá nhân của người dùng. Với kiến thức này, họ sẽ nghiên cứu để cung cấp những lựa chọn thuận tiện hơn, hỗ trợ các cửa hàng hay ngân hàng nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng.
"Hãy tưởng tượng một ngày chuông cửa nhà reo lên, người giao hàng mang đến một đôi giày chạy bộ mới tinh, đúng kiểu và phong cách mình thích, hợp cỡ với màu sắc trang nhã và bạn chỉ việc nhận lấy và mang thử mà thôi. Tuy nhiên, không phải bạn là người đặt hàng mà chính trợ lý ảo đã tự động chọn lựa cửa hàng và mẫu giày rồi tiến hành quá trình giao dịch", ông Brian Hopkins nói.
Ở ngành công nghiệp vận chuyển thì Uber, Google và Tesla đang đẩy mạnh quá trình vận hành xe không người lái. Trong khi đó, các công nghệ tương tự cũng ứng dụng vào vận tải đường dài nhằm thay thế các tài xế xe tải để tối ưu hóa chi phí.
Với 6% người lao động bị mất việc làm như nhân viên tổng đài, lái xe taxi hay xe tải thì sẽ có những giải pháp nào cho họ. Có thể họ sẽ được tạo điều kiện để tham gia vào việc giám sát và bảo trì các hệ thống tự động, tuy nhiên lúc này lại nảy sinh vấn đề đào tạo chuyên môn vì không phải ai cũng biết rõ về công nghệ.
Ông Andy Stern - cựu Chủ tịch Hiệp hội người lao động quốc tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp 6% rất lớn.
"Hiện tại ảnh hưởng tương tự bắt đầu xảy ra với các lĩnh vực ngân hàng, bán lẻ hay chăm sóc sức khỏe. Đây là dấu hiệu cảnh báo sớm và tôi nghĩ rằng nó sẽ có sự thay đổi lớn trong tương lai", ông nhận xét.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp cao có liên hệ đến sự gia tăng tội phạm và giảm đi các hoạt động tình nguyện. Ngoài ra còn có sự tương quan giữa tỷ lệ thất nghiệp và sử dụng ma túy. Theo thời gian, đặc biệt là ở thành thị, thiếu việc làm sẽ là "mồi lửa" tạo nên tình trạng bất ổn xã hội.
Ông Andy Stern cũng cho rằng thách thức đặt ra bởi tự động hóa chưa được các nhà chính trị coi trọng để nghiên cứu và đưa ra những chính sách thay đổi phù hợp. Do đó, người lao động và các nghiệp đoàn cần có tiếng nói để đảm bảo sự cân bằng giữa ứng dụng công nghệ và việc làm cho người dân.
Minh Trí
Giới trẻ Việt Nam yêu thích công nghệ, lập trình có thể tham khảo chương trình đại học trực tuyến của FUNiX. Hệ thống kiến thức được truyền đạt bởi các chuyên gia - nhà tuyển dụng hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đảm bảo được trang bị kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ cần thiết cho sự nghiệp.