Ai cũng đều thấy tiêu chí của một căn nhà được xem ngon lành ở Việt Nam là: mặt tiền, nhiều tầng, ngự trên một con đường càng lớn, càng đông đúc, thậm chí càng ồn ào, càng tốt... Về phong thủy, thì kiêng nhà trong hẻm cụt, phía sau có sông hồ, cửa trước thông cửa sau, cùng đủ thứ cần kiêng khác... Một căn nhà “ngon lành” trên đất Mỹ, gần như ngược lại hoàn toàn những tiêu chuẩn trên.
Ngoại trừ những thành phố lớn như New York, San Francisco, Los Angeles... nhà mặt tiền đồng nghĩa với những tòa nhà chọc trời, hẳn nhiên tấc đất tấc vàng, hầu hết tiêu chuẩn chọn nhà của dân Mỹ là ở những vị trí càng ít ồn ào, càng vắng xe cộ qua lại, càng riêng tư... càng tốt.
(Xem thêm: Lương 20 triệu làm sao mua nhà lầu xe hơi)
Trong cùng một khu nhà hiện nay, ở mức giá trung bình, người ta xây theo tiêu chuẩn: Có đường nội bộ, hai làn xe hơi; hai bên đường, trước mặt nhà trồng cây xanh; có nhà cộng đồng để lâu lâu họp mặt, hoặc cho những ai có nhu cầu tổ chức tiệc lớn có thể mượn; có hồ bơi chung cho cả khu; có công viên, sân chơi thiếu nhi, khu tập thể thao; có lối đi bộ, đạp xe; có hồ nước nhân tạo uốn lượn như thể một dòng sông, chảy len lỏi trong khu để điều hòa tiểu khí hậu; nhiều khu có rừng bao quanh- thường người ta cứ để một đoạn rừng lại tới một khu nhà, xen kẽ...
Cứ khoảng trong bán kính 15 phút lái xe lại có một quần thể với đầy đủ siêu thị, bệnh viện, trạm cứu hỏa, cây xăng, đồn cảnh sát... nói chung không thiếu thứ gì, để trong trường hợp khẩn cấp, người dân gọi 911 là 5 đến 10 phút sau ba chiếc xe cảnh sát- chữa cháy và cứu thương, có thể có mặt cùng lúc.
Và những ngôi nhà mắc nhất của khu đó thường là những nhà trong cùng, hẻm cụt (No Outlet), càng ít xe cộ chạy qua trước nhà lại càng mắc. Nhà ở Mỹ đơn thuần là để ở, không được buôn bán, mở tiệm đồ khô, chanh ớt, hột vịt... bởi vậy yếu tố “nhà mặt tiền để tiện kinh doanh” là hoàn toàn vô nghĩa.
Lâu lâu, khi đồ trong nhà dư thừa, người ta có thể trưng biển “garage sale”, mở cửa garage, tận dụng bán mấy món đồ cũ trong khoảng một buổi, trước khi gom bỏ thùng rác. Chính vì vậy, ở Mỹ người ta giãn dân rất tốt, không có chuyện tập trung ở nội thành với mật độ cao. Nội thành chủ yếu là công sở, cơ quan chính quyền, các thiết chế như bảo tàng, di tích, hoặc cao ốc văn phòng... chứ rất ít khi người ta chọn nội thành để ở.
(Xem thêm: Quyết về quê sống, tôi có nhà cửa và hai hecta đất)
Dân Mỹ cũng thích ở nhà trệt hơn là nhà có lầu. Rao bán một căn nhà cũ có lầu sẽ ít khách hỏi hơn so với một căn nhà trệt. Bởi mấy yếu tố: nhà trệt an toàn hơn đối với em bé và người già vì không có cầu thang. Nhà ở Mỹ thường làm bằng gỗ- phủ gạch phía ngoài, không đổ bê tông tường, sàn, nên ở lầu trên mà bước mạnh sẽ rất dễ ồn xuống lầu dưới; nhà ở Mỹ cũng để máy điều hòa nhiệt độ toàn phần, quanh năm, mùa hè làm mát, mùa đông sưởi ấm, vì vậy nếu nhà có lầu, không gian thông từ dưới lên trên, trần nhà cao lồng lộng sẽ tốn nhiều năng lượng hơn so với nhà trệt.
Một căn nhà ở Mỹ cũng rất... cá nhân. Trong nhà chỉ có một phòng ngủ lớn, dành cho hai vợ chồng, rộng mênh mông, đầy đủ tiện nghi nhất, gọi là phòng Master Bedroom. Còn lại các phòng ngủ khác, dành cho các con, khách khứa, thường nhỏ hơn nhiều, bồn tắm, nhà vệ sinh xài chung... Vì đám nhỏ chỉ ở cùng cha mẹ cho đến năm 18 tuổi là... tự giải phóng. Căn nhà ấy là của cha mẹ chúng, chúng chỉ sống tạm chừng ấy năm, trước khi tự có một căn nhà riêng.
Một căn nhà tiêu chuẩn, cửa sổ không được phép có chắn song, chỉ ráp kiếng an toàn, để khi có sự vụ bất an, người phía trong và phía ngoài có thể đập kiếng, chạy vô, chạy ra. Mặt kiếng có cảm biến, khi bể, cảm biến sẽ kết nối với hệ thống báo động và chuông sẽ reo ở... đồn cảnh sát. Khi hệ thống báo động này hú lên, cảnh sát sẽ lập tức gọi cho gia chủ, hỏi lý do.
(Xem thêm: Lương 8,5 triệu đồng ở chung cư vẫn tiết kiệm 2 triệu )
Nếu gia chủ nói rằng kiếng bị bể là do tai nạn nội bộ, cảnh sát sẽ không tới, nhưng nếu gia chủ phản hồi, tui không biết, ngay lập tức xe cảnh sát sẽ ập tới trong khoảng 5 phút, vì trong các khu nhà thường có vài chiếc xe cảnh sát tuần tra, thay phiên nhau “lảng vảng”, có chuyện là ập tới liền. Ở những khu vực mất an toàn, gia chủ thường phải gia cố thêm song sắt ở cửa. Và một khi, căn nhà đã gắn song sắt, nó sẽ xuống giá thê thảm, bởi đó là chỉ dấu của khu thiếu an ninh và các công ty bảo hiểm cũng không dám bán sản phẩm cho mấy căn nhà ấy, bởi nếu nó... cháy, lực lượng cứu hộ sẽ đột nhập khó hơn.
Về các yếu tố phong thủy, như đã nói lướt ở trên, dân Mỹ chẳng kiêng cữ theo “chuẩn mực Á Đông”. Cửa trước và cửa sau nhiều nhà có thể nhìn thẳng một đường. Bồn nước và bếp ga có thể đặt đối nhau. Cầu thang bước lên lầu có thể nằm ngay cửa ra vô. Cây có thể trồng trực diện cửa chính. Sau nhà nếu có hồ nước, ở Việt Nam thường cho đó là thế “khuyết hậu”, dựa lưng vô... chỗ chết đuối, nhưng ở Mỹ, phía sau nhà mà có hồ, coi như nhà đại gia, giá rất cao... Và gia chủ vẫn làm ăn vù vù, chẳng khi nào thấy hao tài, hao của, bệnh tật chi hết.
(Xem thêm: 'Nên mua chung cư vì nhà phố bị hàng xóm dòm ngó suốt ngày')
Hầu hết các căn nhà ở Mỹ cũng được người ta xây theo lối công nghiệp, như làm một chiếc xe hơi. Với tiêu chuẩn cơ bản chung, kèm thêm các “gói phụ kiện”- các gói phụ kiện này cũng phải theo tiêu chuẩn, nhưng nếu chọn thêm, người làm nhà sẽ phải trả thêm tiền. Ví dụ, có thể thêm lò sưởi, mái hiên phía sau, bồn tắm, các loại bếp, các loại gạch ốp quanh nhà hay lát dưới sàn, hệ thống đèn, công tắc điện, ổ cắm... Sau khi đã chọn xong, đúng quy chuẩn là không được phép thêm thắt gì hết. Nếu muốn thêm, phải xin giấy phép, thẩm định, rất kỳ công, khó khăn và không phải khoản nào cũng được phê duyệt. Nếu tự tiện cơi nới, thêm thắt hẳn nhiên sẽ bị phạt nặng. Ngay cả việc chỉ thêm một cái bóng đèn, cũng phải có nhà chuyên môn về điện, có giấy phép đến lắp ráp- bởi nếu xảy ra việc chập cháy là gia chủ... mệt nghỉ!
Cũng có nhiều người chọn cách mua đất, xây nhà riêng theo ý mình, nhưng chi phí xin giấy phép, xây dựng thường rất cao, phải là “đại gia” thứ dữ mới dám chọn cách chơi riêng biệt này.
Trên đây là ba chuyện mình kể thêm về một căn nhà (xin lấy chủ điểm ở khu vực Houston- Texas, nơi mình sống).
Nguyễn Danh Lam sinh năm 1972. Tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật TP HCM. Từng công tác tại báo Khăn Quàng Đỏ- Nhi Đồng- Mực Tím TP HCM. Từng in nhiều sách. Anh hiện đang định cư tại Texas, Mỹ. |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.