"Cuộc gặp khá tốt", Yuki Kim nói. Cô ôm con trai hai tuổi đứng ngoài đại sứ quán Hàn Quốc ở KoreaTown. "Đó mới chỉ là bước đầu".
Kim di cư sang Mỹ 4 năm trước, cho biết cô đầy hy vọng vào kết quả hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa hai lãnh đạo sẽ dẫn tới việc Triều Tiên giải trừ hạt nhân, theo AP.
"Tôi không hiểu lắm về ông ấy, nhưng ông ấy giàu có, không có nền tảng chính trị, không cần phải thuyết phục đảng của ông ấy", Kim nói, nhắc tới Trump. Về phía Kim Jong-un, cô tin rằng ông ấy đã tỏ ra "đáng tin cậy và nhất quán" qua cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-un.
Kwang Yoon, 59 tuổi, làm nghề kỹ sư, nhận định hội nghị ngày 12/6 tại Singapore giữa lãnh đạo Mỹ - Triều đã đánh dấu "bước đầu" hướng đến hòa bình lâu dài.
"Tôi rất vui, nhưng không thể giải quyết mọi vấn đề trong thời gian ngắn", Yoon bày tỏ. "Nếu không đối thoại, hiểu nhầm sẽ càng nhiều".
Trump và Kim đã ký tuyên bố chung, cam kết theo đuổi giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng sẽ ngừng tập trận chung với Seoul - vấn đề Bình Nhưỡng lâu nay phản đối khi cho rằng đó là hành động diễn tập xâm lược Triều Tiên.
"Tôi luôn hy vọng"
Sean sinh ra ở Triều Tiên, tâm sự ông đã chứng kiến nhiều nỗ lực thất bại trong đàm phán mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Lần này, ông hy vọng sẽ thành công.
"Tôi luôn hy vọng", người đàn ông 90 tuổi nói. Ông đặt hy vọng vào tuổi trẻ của lãnh đạo Triều Tiên, người đang ở độ tuổi ba mươi và dường như "sẵn sàng thay đổi lập trường".
Trump đăng video cuộc gặp với Kim lên mạng xã hội.
Đối với Jeffrey Wang, đầu bếp một nhà hàng ở KoreaTowwn, hội nghị ngày thứ hai là một bước tiến đáng hoan nghênh nhưng ông vẫn hoài nghi về kết quả cuối cùng.
"Tôi không tin Kim Jong-un, chúng tôi không tin người Triều Tiên", ông nói. "Chúng tôi vẫn đang trong trạng thái chiến tranh".
Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang chiến tranh do sau cuộc chiến năm 1950 - 1953, hai bên chỉ ký hiệp định ngừng bắn và quyết định phân chia bán đảo dọc biên giới Khu phi quân sự.
Cuộc xung đột đã chia cắt nhiều gia đình mà đến nay, vẫn chưa thể đoàn tụ.
"Sống như thế rất đau khổ", Yoon nói. "Tôi hy vọng người của cả hai phía cuối cùng sẽ được chung sống hòa bình vì chúng tôi là một dân tộc, nói cùng một ngôn ngữ, chung một nền văn hóa, chung một dòng giống".
Sean sinh năm 1928 ở Triều Tiên, trốn sang miền nam năm 1947 cùng bố mẹ khi 18 tuổi và định cư ở Mỹ năm 1978. Chị gái ông vẫn ở lại Triều Tiên.
"Chị ấy có lẽ đã mất rồi", ông nói, cho hay không thể nào liên lạc với chị từ khi bị chia tách. "Nhiều người cũng có hoàn cảnh giống gia đình tôi. Nghĩ về Triều Tiên là tôi cảm thấy khủng khiếp. Họ không có tự do, thậm chí không thể nói chuyện thoải mái với nhau, không thể tin tưởng lẫn nhau. Tôi không hiểu làm thế nào mà họ có thể thay đổi chính sách và giáo dục con người".
Roy Lee, 18 tuổi, sinh ra ở Mỹ trong một gia đình di cư người Hàn Quốc tới đây mở nhà hàng. Lee không quan tâm lắm đến hội nghị, nhưng bày tỏ lo lắng về sự an toàn của họ hàng ở Hàn Quốc.
"Thống nhất là điều tốt nhưng tôi không thực sự tin tưởng Kim Jong-un vì ông ta chưa từng nhắc tới việc thống nhất trước mặt Trump", Lee nói. "Tôi cảm giác là sau khi Trump nhường bước, mọi chuyện sẽ như cũ".