Đoạn quảng cáo bộ phim tài liệu "Blood Road" (Con đường Máu).
Vào một ngày cuối tháng 3/2015, Rebecca Rusch đứng giữa núi rừng sâu thẳm ở Lào. Trước mắt cô là một rãnh đất khoét sâu, chạy dài trên triền đồi. Trong lòng vệt đất, cô tìm thấy những mảnh vụn kim loại đã hoen gỉ, dấu vết còn lại của một chiếc máy bay rơi. Đây chính là nơi cha cô, một phi công Mỹ, đã tử vong cách đây hơn 40 năm trong chiến tranh Việt Nam.
"Cuối cùng tôi đã có được câu trả lời mà tôi kiếm tìm suốt bao năm qua", người con gái mất cha từ khi mới lên ba lần đầu tiên cảm thấy sự hiện diện của cha mình bên cạnh.
"Lúc đó, tôi cảm thấy toàn vẹn", Rebecca trả lời VnExpress.
Hành trình tìm lại chính mình
Stephen A. Rusch là một phi công Không lực Mỹ, lái máy bay chiến đấu F-4 Phantom II. Vào ngày 7/3/1972, phi công Rusch bị bắn hạ trên bầu trời Lào. Đến tận năm 2007, người ta mới tìm thấy hai chiếc răng của ông và kết quả xét nghiệm ADN khẳng định ông đã chết trong chiến tranh tại Việt Nam.
Chuyến bay cuối cùng của Stephen Rusch chỉ là một trong số 580.000 chuyến bay ném bom dọc Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, mà người Mỹ hay biết tới với cái tên Đường mòn Hồ Chí Minh. Từ năm 1964 đến 1973 nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, quân đội Mỹ đã dội hai triệu tấn bom xuống con đường này, tương đương cứ 8 phút có một chuyến bay ném bom, suốt 24 giờ một ngày và liên tục trong vòng 9 năm. Do vậy, Đường mòn Hồ Chí Minh còn được biết với cái tên khác "Con đường Máu".
Và đó cũng là tên của bộ phim tài liệu ghi lại hành trình Rebecca Rusch tìm về nơi cha cô nằm lại trên chiến trường.
Không ai mất cha mẹ mà không nếm trải sự đau đớn. Rebecca luôn cảm thấy có một khoảng trống trong cuộc đời mình mà cô không gọi được thành tên. Cha mất khi Rebecca mới ba tuổi. Cô kể rằng ký ức về ông không rõ ràng, hầu như chỉ qua những bức thư gửi về nhà từ căn cứ không quân ở Đà Nẵng.
"Anh thích được bay nhưng anh không thích công việc này. Dù người ta có nói thế nào về cuộc chiến, anh cảm thấy thật khó khăn khi nghĩ đến việc giết chóc sắp tới. Dù cố biện minh rằng đây là công việc cần phải làm, anh vẫn không tìm ra được lý do chính đáng. Nếu có chuyện gì xảy ra, đừng để anh chết trong lòng hai con gái Sharon và Becky. Điều đó rất quan trọng với anh", cha của Rebecca viết trong một lá thư.
"Một phần mất mát mà tôi luôn kìm nén. Đó là phần tính cách, cởi mở và giàu cảm xúc, tôi luôn cố giấu vào bên trong. Tôi cảm giác như đó chính là phần tính cách của cha mình", Rebecca nói.
Sau 30 năm, chính phủ Mỹ cung cấp cho gia đình cô bản đồ và tọa độ chính xác nơi chiếc máy bay rơi. Hầu hết mọi người khi nhìn thấy những thứ như thế đều chẳng mấy để tâm nhưng Rebecca không phải "mọi người".
"Là một vận động viên đua mạo hiểm. Tôi sống để đọc bản đồ và để khám phá. Khi nhìn thấy những thứ đó, trong đầu tôi nghĩ "Hừm… có gì ở đó nhỉ?".
"Động lực của tôi là muốn trải nghiệm một chuyến đạp xe phiêu lưu nhất, lớn nhất trong đời đồng thời khám phá về quá khứ của gia đình và để tìm kiếm một phần trong tôi mà tôi chưa bao giờ biết tới", Rebecca chia sẻ về quyết định thực hiện hành trình men theo đường mòn Hồ Chí Minh qua Việt Nam, Lào và Campuchia.
"Nữ hoàng của nỗi đau"
Rebecca Rusch được các vận động viên thể thao mạo hiểm đặt biệt danh là "Nữ hoàng của nỗi đau". Và chỉ có một cách để giành được danh hiệu đó: vượt qua các cuộc đua khắc nghiệt, thử thách ý chí và bản năng sinh tồn. Từng băng sa mạc và vượt rừng núi, đương đầu với cái lạnh âm độ và cái nóng bỏng rát, Rebecca chưa bao giờ ngần ngại đẩy bản thân đi đến giới hạn cuối cùng.
Chèo thuyền vượt ghềnh thác tại hẻm núi kỳ vĩ Grand Canyon, ở bang Arizona. Mỹ; dẫn dắt đồng đội giành chiến thắng giải vô địch thế giới thể thao mạo hiểm Raid Gauloises ở Kyrgyzstan vào năm 2003; ba lần liên tiếp vô địch môn xe đạp leo núi địa hình; và phá vỡ kỷ lục thế giới đua xe đạp địa hình đường trường vào năm 2013, Rebecca Rusch đánh bại đối thủ của mình không phải bởi tốc độ mà bởi khả năng chịu đựng.
Sinh ra tại một căn cứ không quân ở Puerto Rico ngày 25/8/1968, Rebecca Rusch bắt đầu cuộc sống như một người du mục. Khi học trung học ở ngoại ô Chicago, Mỹ, cô đã chạy xuyên quốc gia, bởi vì như cô nói, " chạy trên đường chạy không phải dành cho tôi. Chạy trên cỏ và xuyên rừng thú vị hơn nhiều".
380 giờ đạp, 2.000 km, 153 ngày
"Không một giây phút nào, lòng tôi cảm thấy ngờ vực. Như có một lực hút, một sức mạnh đẩy tôi tới đích cuối", Rebecca Rusch nói về hành trình kéo dài 153 ngày với 380 giờ đạp xe vượt 2.000 km đường rừng để tìm kiếm mảnh đất nơi cha cô nằm lại trong chiến tranh Việt Nam và Mỹ.
Là một vận động viên chuyên nghiệp tôi luyện trong các môi trường khắc nghiệt nhất, Rebecca đã quen với việc tập trung cao độ để lao về đích trong thời gian ngắn nhất… một mình.
Tìm một người bạn đồng hành cho chuyến đi này? Rõ ràng không phải điều Rebecca nghĩ đến. Nhưng Nicholas Schrunk, đạo diễn bộ phim, cho rằng một người bạn đồng hành sẽ góp một tiếng nói khác, một cách nhìn khác. Và càng đặc biệt hơn, nếu người đó là người Việt Nam.
Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh ra ở Hà Nội, từng 4 lần giành huy chương vàng SEA Games môn đua xe đạp. Cô là một trong những vận động viên nhận được nhiều huy chương nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng Huyền không phải là vận động viên đua đường trường. Hơn thế nữa, cô đã giải nghệ hơn 10 năm.
"Nói thật, đó là một trong những điều tôi lo lắng nhất… Tôi không biết liệu cô ấy có làm được không?", Rebecca nói.
Và hành trình quả thực không đơn giản. Dù đội sản xuất đã tính toán bản đồ chi tiết từ nhiều tháng trước, địa hình rừng núi hiểm trở, điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến không ai có thể lường trước hết mọi khó khăn.
"Những trận mưa rừng cuốn băng các cây cầu, xóa sạch dấu vết những con đường. Có nhiều thứ chúng tôi không thể lên kế hoạch và buộc phải linh hoạt ứng biến trước các thử thách", Rebecca nói.
Chỉ có một số ít tay đua có thể theo kịp Rebecca. Và trong hành trình này, Huyền càng khó bắt kịp hơn vì Rebecca có một mục tiêu rõ ràng: tới được địa điểm máy bay rơi vào đúng ngày giỗ cha.
Huyền nhớ nhất chặng vượt hang Xe Bangfai ở Lào. Xuất phát lúc 4h chiều và tới 2h sáng hôm sau mới ra tới cửa hang bên kia.
"Buổi đêm trong hang lạnh thấu xương, chúng tôi phải vượt 7 lần thác, trong đó 5 lần là những vách đá dựng đứng. Phía dưới là nước sâu thăm thẳm. Phải vác theo ba lô, xe đạp và thuyền, cứ mỗi lần như thế, chúng tôi phải tháo xe ra khỏi thuyền, vác cả thuyền và xe qua các vách đá trơn trượt", Huyền kể lại cảm giác "sợ lên đến tận não" và "chân tay co rúm".
Dù cố gắng "đè chặt nỗi sợ xuống tim" để không tạo gánh nặng cho người bạn đồng hành, Huyền vẫn cảm thấy có lỗi vì làm chậm chân Rebecca.
"Về mặt thể lực, chuyến đi không khó với tôi. Tôi đã quen với điều đó rồi. Tôi dạy Huyền về sự chịu đựng thì cô ấy dạy tôi cách mở lòng. Cô ấy làm nhiều hơn những gì cô ấy nghĩ", Rebecca nói có những lúc tưởng chừng như Huyền đã chạm ngưỡng giới hạn nhưng cô vẫn không bỏ cuộc, "Đi chậm lại hóa ra lại là một món quà".
Vết sẹo chiến tranh
Càng tiến vào sâu bên trong Đường mòn Hồ Chí Minh, những vết tích của chiến tranh càng hiện rõ. Có những đoạn, cả một quả núi bị cắt ngang chỏm, cả một thung lũng biến thành vùng đất bình địa chi chít hố bom.
"Tận mắt chứng kiến (hậu quả của chiến tranh), tôi bị sốc. Đống rác của chúng ta để lại vẫn cướp đi sinh mạng của dân thường. Tại sao chúng ta chưa dọn sạch nó?", Rebecca nói, "Nó thực sự khiến tôi mở mắt đồng thời cho tôi một mục đích khi trở về nhà".
Theo số liệu của Nhóm Cố vấn Bom Mìn MAG, Mỹ đã rải 15 triệu tấn bom mìn xuống Việt Nam, gấp ba lần lượng bom mìn mà quân đội đồng minh sử dụng trong Thế chiến II. Theo ước tính, khoảng 10%-30% trong số đó chưa nổ. Kể từ năm 1975, khoảng 104.000 người Việt Nam đã thiệt mạng vì bom mìn.
MAG triển khai các chương trình xử lý các vật liệu nổ ở Việt Nam từ năm 1999, tập trung chủ yếu ở Quảng Trị và Quảng Bình, đã rà phá thành công 290.000 vật liệu nổ trên diện tích 46 triệu m2.
"Các nỗ lực của chúng tôi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài", cán bộ chương trình MAG Lê Anh Thư cho biết.
Trên hành trình, Rebecca gặp gỡ những người dân hàng ngày vẫn sống giữa bom mìn. Cô cảm thấy thật khó mở lời chia sẻ câu chuyện của mình với họ. Những người này sẽ nghĩ gì nếu biết rằng có thể chính cha cô đã là người tạo ra cái hố bom nằm ngay sau vườn nhà họ hay là người thả những quả bom bi chưa phát nổ đang nằm rải rác ngoài kia?
"Tôi cảm thấy bất ngờ khi thấy người dân ở Việt Nam, Lào và Campuchia thân thiện và khoan dung như thế nào".
Trở về nhà sau chuyến đi, Rebecca tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ cho các chương trình rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh Việt Nam.
"Tha thứ và chấp nhận" là điều mà Rebecca mong đợi câu chuyện của mình sẽ mang đến cho người xem.
"Tha thứ cho cuộc chiến của chúng ta và cho mọi sự tàn ác. Tha thứ cho những hận thù đẩy con người ra chiến trường. Tha thứ những oán giận về quá khứ."
Hạnh Phạm