Trong đại dịch, người Mỹ đã tiết kiệm được 2.100 tỷ USD. Khoản tiền này giúp họ tiếp tục chi tiêu trong vài năm sau đó, góp phần hỗ trợ kinh tế dù lãi suất tăng và lạm phát cao dai dẳng.
Tuy nhiên, số này không còn nữa. Các nhà kinh tế học đang lo ngại chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Báo cáo mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại San Francisco cho thấy số tiền tiết kiệm trong đại dịch của người Mỹ đã về âm.
Điều này đồng nghĩa nhiều người đang có khối nợ lớn hơn tiền tiết kiệm. "Tính đến tháng 3, các hộ gia đình Mỹ đã tiêu hết tiền tiết kiệm trong đại dịch", báo cáo viết.
Đây là vấn đề đáng chú ý, do tiêu dùng hiện đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, CNN nhận định. Tiêu dùng tại đây đặc biệt sôi động trong 2 năm qua. Tuy nhiên, khi tiền tiết kiệm đã bốc hơi, tiêu dùng có thể chịu tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, khối nợ lại đang tăng một cách đáng báo động. Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee tháng trước cho biết nợ tiêu dùng "chưa đến mức đặc biệt cao". Tuy nhiên, Fed lo ngại về tỷ lệ quá hạn trả nợ với các khoản vay mua xe, thuê nhà và chi tiêu bằng thẻ tín dụng.
"Nếu tỷ lệ quá hạn thanh toán các khoản vay tiêu dùng bắt đầu tăng lên, đó sẽ là dấu hiệu mọi thứ tệ đi", ông cho biết trong một sự kiện gần đây.
GDP Mỹ chỉ tăng 1,6% trong quý đầu năm, thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế học. Một số nhà phân tích thậm chí hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings viết trong báo cáo mới nhất rằng "tăng trưởng của Mỹ có thể chậm lại đáng kể trong 2024".
Các hãng bán lẻ cũng lo lắng. Một năm qua, nhiều loại chi phí tăng cao hơn so với 3 năm trước, trong khi thu nhập không tăng tương xứng, Sarah Wyeth - Giám đốc Bán lẻ, tiêu dùng tại S&P Global Ratings cho biết. Việc này khiến người dân không còn mua sắm mạnh tay như trước. Vài tuần qua, một số hãng bán lẻ đã thông báo giảm giá để thu hút người mua, với các mặt hàng như quần áo, đồ trang trí nhà cửa hay đồ thủ công.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)