Nếu tìm kiếm trên TripAdvisor những điểm tham quan, du lịch, nhà hàng hay khách sạn... ở Damascus, Syria, du khách sẽ thấy cái tên @ThomasfromDamascus xuất hiện ở hàng trăm địa chỉ. "Thomas đến từ Damascus" chính là tài khoản của Thomas Webber. Nhiều người có thể đoán đây hẳn là một người bản địa sành sỏi những chốn ăn chơi, nhưng họ sẽ rất ngạc nhiên nếu biết ông là một người Mỹ đang tận hưởng cuộc sống giữa bối cảnh loạn lạc ở Syria.
Mỗi buổi sáng, Thomas Webber đều phải khom người kiểm tra chiếc xe hơi để tìm bom trước khi lái ra đường. Nhưng người đàn ông 73 tuổi này không có ý định rời khỏi thủ đô Damascus, một thành phố ông đã coi là nhà trong hơn bốn chục năm.
Từ khi Đại sứ quán Mỹ đóng cửa và kêu gọi toàn bộ công dân rời khỏi đất nước Tây Á này vào năm 2012, Đại sứ quán Czech tiếp quản từ đó. Ông tiết lộ, khi viên chức Đại sứ quán Czech thúc giục ông rời Syria, họ cho biết ông là người Mỹ cuối cùng không có gốc Syria vẫn đang sống ở Damascus.
"Nhiều người nước ngoài đã bị bắt cóc vào thời điểm ấy", ông nói về khoảng thời gian Syria chìm trong bạo lực vào năm 2012.
Với chiều cao 1m93, Thomas cao hơn người Syria rất nhiều. Mái tóc bạc trắng, bộ vest đặt may lịch lãm với chiếc khăn cài túi, tất cả khiến người đàn ông Mỹ này nổi bật giữa đám đông - nhiều nguy cơ bị bắt cóc hơn. Nhưng nhờ vậy, Thomas trở thành gương mặt thân quen với người dân thành phố. Đến cảnh sát tại những trạm gác ở Damascus cũng sẽ nở nụ cười và vẫy tay chào khi thấy bóng dáng ông.
"Syria có những con người tuyệt vời nhất thế giới. Không đời nào tôi rời khỏi đất nước này. Họ sẽ phải khiêng tôi đi", ông nói.
Thomas sinh ra và lớn lên ở Orchard Park, ngoại ô thành phố Buffalo, New York. Cha ông là một kỹ sư đường sắt người Đức, mẹ là một y tá người Ba Lan. Ông bị đánh trượt trường nha sĩ, không phải nhập ngũ tham gia chiến tranh Việt Nam vì lỗi kỹ thuật. Trong những năm tháng ấy, chàng trai Thomas sống ở California và được mời làm giáo viên khoa học trong trường cộng đồng Damascus, một học viện tư nhân Mỹ tại Syria. "Tôi đồng ý, sau đó đến thư viện công cộng và lấy một cuốn atlas", Thomas hồi tưởng.
Thomas đặt chân đến Damascus vào năm 1975, cải đạo sang Hồi giáo và kết hôn với một người phụ nữ Syria, bà Salma. "Máy bay hạ cánh khá tệ khi tôi tới Damascus vào năm 1975, nên tôi không rung động với nơi này trong ngày đầu tiên. Nhưng đến ngày thứ hai thì tôi yêu nó mất rồi", ông trả lời trên CNN.
Trừ quãng thời gian ngắn ngủi dạy học ở Iran, ông đã sống ở Syria từ đó và gọi mình là người Mỹ đích thực cuối cùng ở Damascus (True American) - để phân biệt rõ với những người Syria có hộ chiếu Mỹ đang sống ở đây. Hiện ông đã có 3 con lớn, 11 cháu nhỏ và một chắt - chúng sống tại nhiều đất nước khác nhau. Ông thường tới thăm con cháu, nhưng luôn trở về nhà ở Damascus.
Syria đã phản đối những chính sách của Israel và Mỹ đối với đất nước này từ khi Thomas sống ở đây, nhưng hàng nghìn người Mỹ và những người phương Tây khác vẫn coi nơi này là nhà. Họ là những nhà ngoại giao, giáo viên, thương nhân, tăng lữ... Đất nước này cũng là điểm đến khá an toàn cho du khách Mỹ, học sinh và những đối tượng khách khác.
Mọi thứ bắt đầu đảo lộn từ năm 2011, khi người Syria đứng lên yêu cầu những thay đổi về chính trị. Tổng thống Bashar Assad phản ứng bằng những cuộc đàn áp, bạo động nổ ra, không bao lâu sau đất nước lâm vào cuộc nội chiến khiến hơn 250.000 người thiệt mạng.
Trong những tháng căng thẳng đầu tiên, người nước ngoài đua nhau rời khỏi Syria, đem theo nỗi lo sợ bị bắt cóc hay trúng bom. Chính phủ lập nên một hàng rào kiểm soát chặt chẽ trong thủ đô, với những đồn an ninh đặt ở hầu hết các ngã tư, nhưng phiến quân vẫn có thể nã súng cối vào trung tâm thành phố từ vùng ngoại ô họ chiếm được.
"Một đầu đạn đâm sâu 3 m vào cửa nhà của chúng tôi. Đánh bật bảy chiếc ôtô", Thomas bình tĩnh nói. Ông và vợ bắt đầu thực hiện những biện pháp an toàn. "Khi ra ngoài một mình, tôi sẽ nói với bà ấy mình sẽ đi đâu, bà ấy cũng vậy. Dần dần chúng tôi làm nhiều việc cùng nhau hơn, điều đó tốt cho mối quan hệ giữa hai người", Thomas vui vẻ kể thêm.
Tình hình an ninh trong thủ đô đã cải thiện hơn kể từ năm 2012. Trong những ngày này, Thomas có thể tản bộ trên những bậc đá dẫn vào một quán cà phê sân vườn trong phố cổ, vẫy chào những người phục vụ và chọn một bàn trên sân thượng. Nép mình bên dòng sông Barada, với lối dẫn vào thánh điện Umayyad Mosque nổi tiếng, quán cà phê rộn tiếng chim mang vẻ thanh bình của một thành phố tấp nập - tách biệt hoàn toàn với chiến tranh.
Năm 2016, Thomas từng dẫn phóng viên CNN qua những cửa tiệm quen trong khu chợ cũ của Damascus. Ông thích dạo quanh phố cổ, ngắm nhìn đường sá, ngửi mùi gia vị hay nước hoa trong những sạp vỉa hè.
Ông đưa họ tới gặp một thợ làm xà phòng truyền thống, người đánh hàng của mình từ thị trấn phía bắc Aleppo, một trong những nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất.
"Thật tuyệt vời khi họ vẫn đưa xà phòng từ đó tới. Điều đó cho thấy người dân vẫn cố gắng duy trì nền công nghiệp phát triển ngay cả trong những thời điểm khó khăn", ông dừng lại để tận hưởng mùi hương của một bánh xà phòng olive.
Khi được hỏi vì sao ông vẫn sống tại đất nước đầy bom đạn này, ông mỉm cười và chỉ quanh khu chợ nhộn nhịp: "Hãy nhìn quanh bạn xem. Chẳng có nơi nào như thế này trên thế giới".
Thomas từng viết về Damascus trên TripAdvisor, với tư cách là thành viên hạng cao nhất: "Tôi có thể chọn nhiều nơi để sống, gồm cả Mỹ, và tôi chọn ở lại đây. Giờ nó là một phần trong trái tim tôi rồi". Ông đóng góp gần 600 bài đánh giá, hơn 1.000 bức ảnh về những điểm đến, nhà hàng, khách sạn... của Damascus với 445.000 người xem những bình luận của ông.
Nhiều bạn bè của ông đã rời đi, công việc kinh doanh của ông đang gặp khó khăn. Nhưng khi những giáo viên giỏi rời đi, Thomas dễ dàng tìm được vị trí dạy tiếng Anh bán thời gian tại một trường phổ thông địa phương. Hàng tuần, ông có thể chia sẻ tình yêu dành cho đại văn hào Charles Dickens với những học sinh của trường tiếng Pháp Lycée Charles de Gaulle.
"Tôi thấy mình như sống lại tuổi 45 sau mỗi ngày dạy tốt", ông bày tỏ.
Người Damascus tin rằng chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Nhưng Thomas - một người lạc quan, nghĩ rằng hòa bình sẽ ngự trị trên mảnh đất này. Và sau hơn bốn thập niên thấm nhuần văn hóa Arab, ông tin vào đấng tối cao.
"Vợ tôi cũng đồng ý với tôi về điều này - sống chết có số. Ngày nào đó, khi rời khỏi trường tôi có thể trượt vỏ chuối mà chết...", ông nói khi khoát tay trước ngực. "Thì đó là ý nguyện của Chúa".
Phóng viên Lizzie Phelan thường trú tại Syria gặp Thomas Webber vào tháng 4/2016. Video: RT.