Mark Andrejevic, chuyên gia về giám sát và khai thác dữ liệu tại Đại học Monash (Australia), chia sẻ: "Mọi người đang cuống cuồng tìm cách chống lại công nghệ nhận diện. Tuy nhiên, công nghệ này ngày càng được cải tiến để hoạt động chính xác và hiệu quả hơn. Vì vậy, một cá nhân khó có thể chống lại cả một hệ thống".
Trong bối cảnh đại dịch, công nghệ nhận diện khuôn mặt, thậm chí nửa trên khuôn mặt, và dáng đi đã được sử dụng để giám sát có chọn lọc trên quy mô lớn. Chúng có thể phát hiện người có nhiệt độ cao trong đám đông hoặc cho phép công dân ra vào các tòa nhà mà không cần tiếp xúc. Điều này đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách mọi người chia sẻ không gian chung cũng như làm quen với thế giới đi đâu cũng bị nhận diện. Nhiều người muốn chống lại sự giám sát này vì cho rằng nó vượt quá mức chịu đựng của họ.
Mặt nạ
Hãng Adversarial Fashion bán các mẫu mặt nạ và trang phục, như áo khoác, áo hoodie, váy..., trên đó in những họa tiết mạch điện kỳ lạ. Những mạch điện này chính là "dữ liệu rác" khiến các máy quét nhận diện sai, giúp người mặc "đánh lừa" hệ thống giám sát.
Nghệ sĩ kiêm hacker Martin Backes còn tạo ra một loại mặt nạ trùm, hở mắt và có khả năng co dãn mang tên Pixelhead. Trong khi đó, nghệ sĩ Leo Selvaggio trình làng mặt nạ in 3D với hình ảnh của một khuôn mặt thật. Hai loại mặt nạ này đều để đánh lừa camera giám sát.
Khác với mặt nạ thông thường, mặt nạ của nhà thiết kế Liu Jing-cai là một chiếc máy chiếu có khả năng tái tạo hình ảnh khuôn mặt giả trên chính khuôn mặt thật. Độc đáo hơn, nhà thiết kế người Ba Lan Ewa Nowak đã sáng tạo ra một đồ trang sức bằng kim loại có thể đánh lừa các phần mềm nhận diện của camera an ninh.
Trang điểm
Computer Vision (CV) Dazzle là ý tưởng ngụy trang của nhà nghiên cứu và nghệ sĩ người Đức, Adam Harvey. Với việc tạo ra các cách trang điểm và tạo mẫu tóc mới, CV Dazzle khiến khuôn mặt trở nên khó nhận diện hơn. Ý tưởng này nhắm vào các hệ thống nhận diện dựa trên đặc điểm cụ thể của khuôn mặt. Những đặc điểm của CV Dazzle gồm tóc nhiều màu che 3/4 khuôn mặt và các mảng màu đen được vẽ trên má.
Ở London, các nghệ sĩ thành lập Câu lạc bộ Dazzle, sử dụng kỹ thuật CV Dazzle để nâng cao nhận thức về mạng lưới giám sát tại các khu vực công cộng. Joselyn McDonald, nhà thiết kế đồng thời là nhà nghiên cứu tại Mỹ, sử dụng những họa tiết hoa lá mềm mại để che những phần quan trọng trên khuôn mặt (mắt, mũi, miệng) nhằm đánh lừa các thuật toán nhận diện.
Kính mắt
Các nhà khoa học Nhật Bản tại Viện Tin học Quốc gia Tokyo phát triển một loại kính mắt gắn đèn LED phát ra tia hồng ngoại tầm gần. Với khả năng "gây nhiễu hình ảnh camera mà không ảnh hưởng đến tầm nhìn của mắt", nó giúp người dùng tránh bị nhận dạng khuôn mặt hoặc ghi hình bởi camera.
Ngoài ra, Scott Urban, một thợ thủ công tại Mỹ, đã tạo ra Reflectacles - một loại kính râm giúp bảo vệ người dùng khỏi camera giám sát. Chiếc kính này sử dụng vật liệu phản quang để chống lại công nghệ hồng ngoại của camera.
Trang phục
Các nhà thiết kế trên toàn cầu cũng cố gắng sử dụng thời trang để tránh khỏi sự giám sát của các hệ thống camera.
Sanne Weekers, một sinh viên thiết kế người Hà Lan, đã tạo ra "chiếc khăn ẩn danh". Khăn in hình mặt người nhằm gây hỗn loạn thông tin cho phần mềm nhận dạng khuôn mặt.
Ngoài ra, Dự án Kovr - một sản phẩm khác của các nhà thiết kế người Hà Lan Marcha Schagen và Leon Baauw - đã mang tới một loại áo khoác và ba lô có khả năng chống giám sát. Những sản phẩm này đều được tạo nên từ các lớp vải chứa kim loại để chặn các tín hiệu đến và đi. Do đó, người mặc có thể thoát khỏi môi trường bị kiểm soát thông tin.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu từ Đại học Maryland, Mỹ, phát hiện ra rằng các họa tiết đối nghịch trên quần áo có thể giúp người mặc tránh bị phát hiện bởi camera giám sát tự động, bởi hệ thống này có thể nhận sai những thiết kế trừu tượng, đầy màu sắc trên quần áo.
Đức Anh (theo SCMP)