
Người da đỏ được coi là tộc người bản địa ở Bắc Mỹ. Ảnh minh họa: rootsweb.ancestry.com
Kết luận của nhóm nghiên cứu được đưa ra sau khi tiến hành phân tích ADN từ phần xương ngón tay của một cậu bé, sống cách đây khoảng 24.000 năm trước, trong một khu tạm trú ở đông Siberia.
Phần hài cốt của đứa trẻ được lưu trữ tại bảo tàng Hermitage ở thành phố St. Petersburg, Nga. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong những di tích cổ xưa nhất của con người hiện đại còn lưu giữ được đến ngày nay.
Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy, ADN của đứa trẻ thuộc nhóm "haplogroup U." Đây là nhóm có thể tìm thấy ở giống người trong thời đồ đá cũ ở Tây Á và châu Âu, không có ở khu vực Đông Á.
Khi phân tích di truyền chi tiết hơn, nhóm nghiên cứu phát hiện một số yếu tố ADN chỉ có thể tìm thấy trong ADN của những người da đỏ hiện đại.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Nga, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển và Mỹ đã thiết lập mối liên hệ di truyền giữa người Mỹ bản địa, hay còn gọi là người da đỏ, với các cư dân Siberia.
Họ tin rằng hậu duệ của những cư dân ở phía tây lục địa Á-Âu vào thời kỳ lạnh nhất của Kỷ Băng hà đã di chuyển xa hơn nhiều về phía Đông so với những giả thuyết trước đây. Cũng trong thời gian này, một bộ phận cư dân sống trong khu vực Đông Á di chuyển về phía Bắc.
Tại Siberia, người châu Âu phía tây và người châu Á phía đông gặp nhau. Kết quả của sự kết hợp giữa hai bộ tộc là những hậu duệ chung đến định cư ở cả hai vùng châu Mỹ.
Trước đây, các nhà khoa học từng nêu giả thuyết cho rằng người Mỹ bản địa có nguồn gốc châu Á. Nghiên cứu mới này làm sáng tỏ bức tranh địa lý và di truyền của những quá trình lịch sử cổ đại.
Theo Vietnam+