Anh Tuấn mua căn hộ tại một dự án ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội và hiện đã đóng được 60% giá trị nhà. Khách hàng này tham gia vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng và hiện đã được ngân hàng giải ngân 30%. Khoản còn lại dự kiến phải đến tháng 7 anh mới được giải ngân tiếp vì còn phụ thuộc vào tiến độ xây dựng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, gần đây, anh nghe thông tin về việc số tiền còn lại nếu giải ngân sau ngày 1/6 tới thì không được hưởng lãi suất ưu đãi nữa mà sẽ được tính bằng lãi suất cho vay thương mại thông thường. Khi biết được thông tin này, anh cùng một số khách hàng khác mua chung dự án đã làm đơn gửi lên chủ đầu tư đề xuất doanh nghiệp ra quyết định yêu cầu khách hàng nộp tiền sớm, trước thời điểm 1/6.
"40% còn lại, xấp xỉ hơn 400 triệu đồng nếu vay theo lãi suất thương mại dù ở mức thấp, khoảng 10% một năm thì mỗi tháng tiền lãi tôi phải chịu gấp đôi. Đó là chưa kể lãi suất thường xuyên bị điều chỉnh", anh Tuấn nói.
Ở góc độ chủ đầu tư, gói 30.000 tỷ đồng từng trở thành một trong những công cụ để doanh nghiệp quảng cáo cũng như ghi điểm với khách hàng. Và hiện nay, khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa gói vay ưu đãi này sẽ ngừng giải ngân, nhiều đơn vị phân phối bất động sản vẫn dùng gói vay ưu đãi này để thu hút khách hàng.
Anh Toản, nhân viên kinh doanh sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư một dự án tại Hoài Đức vừa mời chào khách vừa tư vấn cách để khách được hưởng nhiều ưu đãi nhất từ gói vay ưu đãi. Theo đó, anh cho biết, từ ngày 1/6, dự án mới đóng tiến độ đợt 2 nhưng ngay sau khi khách hàng ký hợp đồng và thanh toán 30% giá trị căn hộ, chủ đầu tư sẽ lập tức có thể ra thông báo đóng tiếp, vào khoảng 70% tiền nhà.
"Những khách hàng mua nhà gần đây chúng tôi đều tư vấn cho cách này nên họ quyết định xuống tiền rất nhanh. Nếu người mua không quyết định sớm thì sợ không còn cơ hội khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết hạn giải ngân", anh Toản nói.
Cũng theo nhân viên này, kể cả khi có cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ thì cũng khó phát hiện ra vì chủ đầu tư hiện có tiềm lực lớn nên sẽ nhanh chóng đuổi kịp tiến độ xây dựng tương ứng với khoản tiền đã thu của khách.
Trong khi đó, anh Chiến, nhân viên kinh doanh tại một dự án cũng nằm trên địa bàn Hoài Đức lại tư vấn một cách khác để người mua nhà có thể hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ mặc dù căn hộ không đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng. Theo quy định, chỉ những căn hộ có diện tích từ 70m2 trở xuống và đơn giá dưới 15 triệu đồng một m2, tương đương giá trị 1,05 tỷ đồng thì mới được vay.
Tuy nhiên, khi hỏi mua một căn hộ diện tích hơn 100m2, đơn giá xấp xỉ 14 triệu đồng một m2, tương đương 1,4 tỷ, anh Chiến cho biết chủ đầu tư sẽ tách 2 hợp đồng gồm hợp đồng mua bán căn nhà và hợp đồng nội thất. Phần hợp đồng mua bán sẽ có giá trị đúng bằng 1,05 tỷ đồng, vừa đủ điều kiện vay gói hỗ trợ. Phần chênh lệch còn lại nằm trong hợp đồng nội thất, khách hàng sẽ phải thanh toán hết ngay ban đầu.
Nhân viên này cũng cho hay, phía chủ đầu tư sẽ kết nối với ngân hàng, người mua nhà chỉ cần chuẩn bị tiền và các giấy tờ liên quan.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng luật sư Trí Việt cho rằng các khách hàng không nên mạo hiểm với những cách lách luật nói trên để được hưởng ưu đãi vay gói 30.000 tỷ đồng.
"Kể cả đó là đề xuất từ chính người mua nhà hay là gợi ý từ chủ đầu tư thì cũng chứa đựng nhiều rủi ro cho khách hàng. Bởi như vậy, trong trường hợp bị phát hiện không đủ điều kiện vay ưu đãi, cơ quan quản lý có quyền không chấp nhận khoản vay được hưởng lãi suất thấp. Khi đó, hợp đồng có thể làm lại và hủy bỏ các điều kiện ưu đãi", ông Nam cho hay.
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng, nếu đóng tiền vượt quá tiến độ cho chủ đầu tư cũng không khác gì người mua nhà phải "cầm dao đằng chuôi". "Rất có thể doanh nghiệp thu tiền xong dự án vẫn bị chậm tiến độ như những trường hợp chúng ta từng thấy trước đây. Khi đó người mua vừa không được nhận nhà, vừa phải trả lãi ngân hàng", ông Nam nói.
Ngọc Tuyên