Nghiêu cứu cũng chỉ ra rằng gần 6% hộ gia đình thành thị ở Việt Nam mua hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến ít nhất một lần trong năm. Nhóm người trẻ tuổi và thu nhập khá có xu hướng thích mua sắm trên mạng nhất. Thương mại điện tử sẽ phát triển hơn gấp 5 lần vào năm 2020 và nhóm khách hàng này vẫn duy trì hành vi mua hàng online của họ trong tương lai.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ giúp loại bỏ rào cản lớn nhất đối với thương mại điện tử là khả năng tiếp cận. Thương mại điện tử sẽ có khả năng trở thành thương mại di động nhờ việc sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh ở Việt Nam. Người tiêu dùng kết nối liên tục với thế giới số đòi hỏi những trải nghiệm mua sắm tiện lợi hơn. Khoảng 69% hộ gia đình có các bà nội trợ đi làm nên nhu cầu về sự tiện lợi sẽ tăng cao để tiết kiệm thêm thời gian cho cuộc sống cá nhân, khi mà giao thông ùn tắc khiến cho việc mua sắm trở nên lâu và khó khăn hơn.
"Người tiêu dùng sẽ chọn những nhà bán lẻ, nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ đáp ứng sự tiện lợi trên nền tảng di động. Cơ hội mở ra cho những doanh nghiệp biết nắm bắt và dẫn đầu xu hướng, đầu tư lớn để thành công trong việc thiết lập dịch vụ hiệu quả. Đây cũng là cách để họ bảo vệ vị thế hiện tại của mình bằng việc cung cấp dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi", ông Fabrice Carrasco - Tổng Giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Việt Nam, Indonesia và Philippines chia sẻ.
Hiện tại nhiều người tiếp cận với Internet dễ dàng hơn với việc gia tăng sử dụng các dịch vụ tiên ích trên điện thoại di động, dẫn đến thay đổi hành vi mua sắm. Thế hệ người tiêu dùng tiếp theo sẽ phá vỡ hoàn toàn cách thức mua sắm trước đây, cho thấy những nhu cầu mới, mong muốn các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ đem đến cho họ sự linh hoạt, chủ động và tiện lợi hơn.
Vì thế nhà bán lẻ trực tuyến lớn đã đẩy mạnh kênh mua sắm trực tuyến bằng cách làm việc nhiều hơn với nhà sản xuất để đưa sản phẩm tiêu dùng nhanh vào danh sách bán hàng online. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp lại chọn dịch vụ giao hàng tại nhà, trở thành trung gian giữa người tiêu dùng và các nhà bản lẻ truyền thống.
Một khảo sát khác của Kantar Worldpanel cho thấy ngành bán buôn và bán lẻ vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với tăng trưởng GDP. Theo Tổng cục Thống kê, dự kiến năm 2016 tốc độ tăng trưởng GDP tăng 6% và chỉ số CPI cũng sẽ hơn khoảng 3,5%.
Thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại thành phố đạt mức tiêu thụ khả quan hơn ở nông thôn trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tăng trưởng FMCG của Việt Nam kỳ vọng tăng 4% về giá trị đến hết năm 2016.
Trong ngắn hạn, sữa và các sản phẩm từ sữa tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng trong các ngành hàng, đặc biệt là ở nông thôn nơi mà thói quen tiêu thụ dòng sản phẩm này vẫn còn ít hơn nhiều so với thành thị. Cửa hàng bách hóa tiếp tục giữ vững vị trí tại thành phố trong khi tiệm tạp hóa nhỏ vẫn thống trị vùng nông thôn.
Minh Trí